CẦN ĐỔI MỚI QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Lượt xem:
ThS.Hồ Sỹ Anh
Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục mầm non và phổ thông
(Bài viết đã đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại ngày 8.5.2017)
Việc đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đã làm thay đổi công tác quản lý chất lượng (QLCL) ở các trường THPT. Nhiều trường được đánh giá ngoài và công nhận đạt chuẩn chất lượng, hoạt động dạy và học không chỉ tập trung các môn học mà chú trọng đến sự phát triển toàn diện học sinh. Tuy nhiên, công tác QLCL đối với trường THPT hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, cần sớm được khắc phục.
Những bất cập trong quản lý chất lượng
Thứ nhất, là quan niệm về chất lượng giáo dục chưa đầy đủ và phù hợp với quan điểm phát triển toàn diện. Có một cách hiểu vẫn còn phổ biến và có khi được coi là chuẩn mực trong đánh giá, đó là, chất lượng giáo dục đồng nghĩa với kết quả thi (thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi, thi đại học,…). Trong một nghiên cứu mới đây của chúng tôi về QLCL ở trường THPT các tỉnh Tây Nguyên, đã có tới 75% cán bộ quản lý (CBQL) và 79,5% giáo viên (GV) cho rằng: “Chất lượng giáo dục của một trường được đánh giá thông qua tỷ lệ phần trăm tốt nghiệp THPT và đỗ đại học, cao đẳng hằng năm”. Dẫn đến tình trạng trên, theo CBQL và GV có 2 nguyên nhân chính, đó là: áp lực xã hội và phụ huynh về kết quả thi cử và do mâu thuẫn rất lớn giữa chỉ tiêu đặt ra và chất lượng thực chất đầu vào cấp THPT (chỉ tiêu đến năm 2020 có 80% thanh niên trong độ tuổi tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, trong khi ở các trường THCS do chạy theo phổ cập mà chất lượng giảm dẫn đến đầu vào THPT thấp). Do vậy, các hoạt động dạy và học ở trường chủ yếu xoay quanh vấn đề làm sao nâng tỷ lệ tốt nghiệp. Trong khi nhiều mặt khác như đạo đức, sức khỏe, thẩm mỹ, năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề, kỹ năng nghề nghiệp… những mặt rất cần để hình thành nhân cách HS lại bị xem nhẹ. Một thực tế đáng lo ngại là do quy chế xét tốt nghiệp có sự tham gia 50% điểm trung bình cả năm (TBCN) lớp 12, nên một số trường đã cố ý đánh giá nương nhẹ, nâng cao điểm TBCN để có lợi cho tốt nghiệp cho HS. Nhiều trường phổ thông có điểm TBCN toàn trường trên 8.0 (trước đây không bao giờ đạt), trong khi bình quân điểm 4 môn thi tốt nghiệp chỉ đạt xấp xỉ 4.0.
Bên cạnh đó, trong khâu coi thi, chấm thi THPT (ở cụm thi xét tốt nghiệp) vẫn còn có biểu hiện tiêu cực như học sinh (HS) quay cóp, giám thi coi thi nhẹ nhàng v.v. Và kết quả là số trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100% không còn là cá biệt, khi mà tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2013 và năm 2014 đạt 99%, một tỷ lệ rất hiếm trên thế giới (năm 2008, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Hoa Kỳ đạt 77%). Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2015 và 2016 đã giảm (92%), kết quả này là do quá trình coi thi và chấm thi nghiêm túc hơn (do trường đại học tham gia), mặt khác, do HS bị điểm liệt ở môn thi tự luận.
Thứ hai, về phương pháp tiếp cận trong QLCL, hiện nay chủ yếu nhằm vào mục tiêu (trong khi “mục tiêu” là tỷ lệ thi đỗ) mà coi nhẹ quá trình. Thực tiễn cho thấy rằng, đối với tất cả các hoạt động, quá trình diễn ra thế nào thì kết quả nhận được thế ấy. Quy luật này càng đúng đối với giáo dục phẩm chất và năng lực (nhân cách) của HS. Bởi vì, hình thành nhân cách là cả một quá trình với sự hội tụ của nhiều yếu tố, nhiều khía cạnh và cấp độ khác nhau. Như vậy, không thể nói là một trường chất lượng cao chỉ dựa vào kết quả tốt nghiệp, để có kết quả này, nhà trường đã bất chấp quá trình, bất chấp phương pháp, bất chấp động cơ và thái độ, miễn tốt nghiệp càng cao càng tốt, website một số trường đã khuếch trương dòng quảng cáo “Tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100%”. Trong một lần công tác tại một tỉnh miền Trung, được biết năm 2015 cả tỉnh chỉ có 2 trường tốt nghiệp 100% (trường chuyên và một trường tư thục), tìm hiểu nguyên nhân, được biết trường tư thục này cho điểm TBCN lớp 12 quá cao, sau đó, phụ huynh bắt đầu nghi ngờ về chất lượng thực và không cho con vào trường này nữa.
Thứ ba, về chuẩn mực, chúng ta chưa đưa ra được một hệ tiêu chí và phương pháp đánh giá quá trình trong QLCL, nhất là các tiêu chí đối với phẩm chất và năng lực. Mặc dù hiện nay, các cơ quan quản lý giáo dục đánh giá chất lượng một trường không chỉ dựa vào kết quả thi mà đã chú ý đến các hoạt động khác như: nghiên cứu khoa học, dự thi đường lên đỉnh Olympia, các hoạt động nghệ thuật, hoạt động xã hội. Một số trường đại học tuyển thẳng thí sinh đạt danh hiệu “HS giỏi” của một số trường có chất lượng đã thể hiện coi trọng đánh giá quá trình. Song cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, các tiêu chí và phương pháp ấy vẫn còn rời rạc, chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống, thiếu luận cứ khoa học và chưa được chuẩn hoá. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng hiện nay vẫn nặng về thanh tra, kiểm tra do cấp trên hay cơ quan kiểm định là chính. Thiếu hẳn việc tự kiểm tra, tự đánh giá, tự điều chỉnh, cải tiến chất lượng như một hoạt động thường xuyên, có nề nếp và có tính chủ động để thực sự trở thành nhân tố nội lực thúc đẩy chất lượng.
Thứ tư, về chủ thể thực hiện, cho đến nay QLCL vẫn được coi là trách nhiệm của cấp phòng hay cấp Sở. Ở cấp trường, việc QLCL là nhiệm vụ của ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn. Có thể coi là sai lầm lớn khi xem nhẹ vai trò của GV, những người giữ vai trò then chốt và trực tiếp tạo nên chất lượng. Một nghiên cứu năm 2003 của Hattie (Úc) thì thành tích của HS tạo nên bởi 50% là do HS, 30% do GV, 5-10% do giá đình, 5-10% do nhà trường, 5-10% do hiệu trưởng và 5-10% do bạn bè… Như vậy, trong giáo dục nhân cách, HS có vai trò cực kỳ quan trọng bởi các em không phải là những sản phẩm thụ động mà có khả năng tự phát triển. Việc hướng dẫn HS về động cơ, thái độ, phương pháp học tập, điều rất được quan tâm ở nhiều quốc gia và ở nước ta trước đây, hiện nay bị xem nhẹ, khi mà nhiều trường, phụ huynh chăm chăm đến dạy thêm và học thêm.
Thứ năm, về cơ chế quản lý, đối với giáo dục phổ thông vẫn theo mô hình quản lý tập trung. Cơ quan quản lý tuyến trên (Bộ, Sở, Phòng) vừa hoạch định mục tiêu chất lượng, ban hành hệ thống quy chế và các văn bản chỉ đạo, nội dung, kế hoạch dạy học, vừa tổ chức thanh tra, kiểm tra, thi cử và đánh giá. Nghĩa là dấu ấn của quản lý tập trung, áp đặt vẫn còn nặng. Trong khi đó, việc QLCL rất cần và hoàn toàn có thể giao cho từng nhà trường để nâng cao tính tích cực, chủ động trong quá trình tạo ra chất lượng phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu chất lượng của nhà trường (phù hợp với mục tiêu chung của giáo dục và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương).
Thứ sáu, về tổ chức quản lý, chúng ta mới có cơ quan khảo thí và KĐCLGD ở Bộ và Sở GD&ĐT. Cơ quan này chỉ làm công tác khảo thí và kiểm định, chưa có một cơ quan tổng hợp, đồng bộ để quản lý chương trình, đánh giá và báo cáo giáo dục. Qua đánh giá PISA của tổ chức OECD cho thấy, những nước có thành tích cao là những nước thực hiện một cách đồng bộ giữa Chương trình, Giảng dạy và Đánh giá. Chẳng hạn như ở Úc đã có cơ quan chuyên trách về Chương trình, Đánh giá và Báo cáo (Australian Curriculum Assessment and Reporting Agency – ACARA). Cơ quan này đã thiết lập hệ thống Đối sánh myschool.edu.au. Trong hệ thống này có dữ liệu của gần 10.000 trường phổ thông trong toàn nước Úc, với dữ liệu về cơ sở vật chất, đội ngũ, tài chính, kết quả đánh giá, học nghề và sự chuyên cần,… không chỉ giúp cho các trường biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình trong tương quan so sánh mà còn giúp cho phụ huynh biết được trường học tốt để đưa ra quyết định cho con vào học. Trong đó, kết quả đánh giá được lấy từ đánh giá quốc gia (Nation Assessment Program) đối với lớp 5, lớp 7 và lớp 9 với các môn như Đọc, Viết, Chính tả và Tính toán. Về chứng chỉ học nghề, HS có thể học và thi lấy chứng chỉ nghề trong chương trình hoặc học nghề ở các cơ sở dạy nghề khác để lấy chứng chỉ nghề quốc gia.
Giải pháp đổi mới công tác quản lý chất lượng:
Nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục nhân cách HS đang là vấn đề bức xúc. Đã đến lúc cần kiên quyết và khẩn trương khắc phục các bất cập nói trên trong QLCL, tiến tới xét tốt nghiệp THPT như dự thảo của Chương trình GDPT mới. Để làm được điều đó, trước hết, cần nâng cao nhận thức về chất lượng và QLCL giáo dục cho CBQL và GV. Chất lượng giáo dục là chất lượng đầu vào, chất lượng quá trình và chất lượng đầu ra. Kế đến là tập huấn nâng cao năng lực QLCL cho CBQL, bao gồm kỹ năng thực hiện các hoạt động: hoạch định chất lượng (xây dựng chính sách, mục tiêu chất lượng), kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng; Hằng năm, triển khai đánh giá ở cấp địa phương và quốc gia đối với lớp 5, lớp 7, lớp 9 và lớp 11. Quy chế thi tốt nghiệp của Bộ cần có lộ trình giảm tỷ lệ tham gia của điểm TBCN vào điểm xét tốt nghiệp. Đồng thời, cần nghiên cứu, tham khảo, chọn lọc và vận dụng một cách sáng tạo các thành tựu của khoa học QLCL giáo dục của thế giới như: QLCL tổng thể (TQM), đối sánh trong giáo dục, quản lý chất lượng theo ISO để từng bước tạo ra văn hóa chất lượng cho các trường học Việt Nam.
H.S.A