Chào mừng Lễ hội “Đắk Nông – Mùa bơ chín”: Khởi đầu cho lộ trình phát triển cây bơ theo hướng bền vững
Lượt xem:
Trước thềm Chương trình “Đắk Nông – Mùa bơ chín”, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông có cuộc trao đổi với đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Chương trình “Đắk Nông-Mùa bơ chín” năm 2018.
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh |
PV: Xin đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết cơ sở để tỉnh xác định bơ là một loại cây trồng tiềm năng trong thời gian tới?
Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh: Tôi xin nhấn mạnh, đến nay tỉnh chưa xem bơ là “cây trồng tỷ phú” hay cây trồng “siêu lợi nhuận” vì nó còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố nên nông dân không nên phát triển diện tích một cách ồ ạt. Quan điểm của Đắk Nông hiện nay vẫn xem cây bơ là một trong những cây trồng tiềm năng và có thể trở thành một loại nông sản thế mạnh đặc trưng của tỉnh. Bởi vì Đắk Nông có lợi thế về điều kiện tự nhiên phù hợp như: đất đai bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa nghiêng về Á nhiệt đới, phù hợp với nhiều loại bơ giá trị cao. Thực tế, người dân trên địa bàn cũng đã sản xuất thành công nhiều giống bơ được người tiêu dùng đánh giá có chất lượng cao.
Qua khảo sát, phân tích, một số doanh nghiệp cho biết giá trị dinh dưỡng trong quả bơ Đắk Nông lớn và thống nhất liên kết với những nông dân có tiềm lực để sản xuất theo các tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
PV: Một trong những điểm mấu chốt để bơ trở thành cây trồng thế mạnh của tỉnh là nguồn giống. Tuy nhiên hiện nay, tỉnh vẫn chưa có vườn ươm giống bơ đầu dòng, đạt chuẩn. Vậy quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?
Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh: Đúng vậy, đến nay, việc quản lý cây giống nói chung của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Riêng với giống cây bơ, phần lớn bà con đang tự ươm, ghép, chưa qua khảo nghiệm hoặc mua ở các cơ sở chưa bảo đảm chất lượng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh, năng suất, chất lượng thiếu ổn định. Đây là điều mà tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường sự hợp tác với các nhà khoa học, doanh nghiệp để chọn, nhân giống những loại bơ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và cả nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước.
Hiện nay, Đắk Nông đang tập trung chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, oganic cho trái bơ. Làm được điều này, bơ sẽ là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân Đắk Nông.
Bơ hass của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Bơ M’nông (Gia Nghĩa) |
PV: Thưa đồng chí, ngoài khâu sản xuất, vấn đề định hướng, xác định các thị trường cho quả bơ Đắk Nông đã được tỉnh quan tâm như thế nào?
Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh: Vấn đề này đã được tỉnh xác định rõ ngay từ khâu giống và cả kết quả của sự nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng của các thị trường khác nhau. Theo đó, tỉnh phát triển song song cả hai dòng bơ gắn với hai dòng thị trường. Cụ thể như đối với các loại bơ sáp nội địa, bơ 034, bơ Cuba thì chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước qua các chợ đầu mối, siêu thị.
Đối với các giống bơ có trọng lượng trái nhỏ hơn, đặc biệt là bơ hass sẽ được quy hoạch vùng trồng phù hợp để xuất khẩu đến các nước ở khu vực châu Âu, Mỹ qua liên kết với tập đoàn T & T. Hiện nay, bơ hass đang được các khu vực thị trường này đặt hàng với số lượng lớn nhưng thực tế nông dân trong tỉnh chưa thể đáp ứng.
Hơn nữa, giống bơ này cũng được đánh giá là “khó tính” hơn so với các dòng bơ khác nên cần sự phát triển bài bản. Việc đẩy mạnh nghiên cứu, hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất cây bơ hass là một trong những nội dung trọng tâm trong quy trình canh tác bền vững cây bơ những năm tới của tỉnh.
PV: Để cây bơ có thể vươn tầm ra thị trường thế giới thì vấn đề về bảo quản, chế biến sẽ được tỉnh quan tâm như thế nào trong thời gian tới thưa đồng chí?
Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh: Đối với người Việt thì lâu nay vẫn sử dụng quả bơ tươi là nhiều. Nhưng muốn nâng cao giá trị kinh tế thì về lâu dài, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển các nhà máy chế biến bơ thành các loại sản phẩm như tinh dầu bơ, thực phẩm chức năng từ bơ…
Hiện nay, tỉnh đã có hai nhà máy chế biến rau, củ, quả tại khu công nghiệp Tâm Thắng (Cư Jút). Tỉnh cũng đang tìm vị trí phù hợp dọc quốc lộ 14 để tập đoàn T & T xây dựng nhà máy chế biến chuyên về quả bơ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp kinh doanh, chế biến cây ăn quả lớn ở các tỉnh miền Tây như Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cũng đã có sự liên kết với tỉnh để nâng cao giá trị quả bơ.
Điểm thu mua bơ trên địa bàn xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) mỗi ngày thu mua từ 1,5 – 3 tấn bơ. Ảnh: Đức Hùng |
PV: Như vậy, Chương trình “Đắk Nông – Mùa bơ chín” năm 2018 sắp diễn ra tới đây có được xem như là sự khởi đầu cho lộ trình phát triển cây bơ theo hướng bền vững ở Đắk Nông?
Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh: Chương trình “Đắk Nông – Mùa bơ chín” năm 2018 được tỉnh xem như sự khởi đầu cho phát triển cây bơ theo hướng bền vững của Đắk Nông. Bởi vì, qua những hoạt động như: hội thảo, hội thi, hội chợ, các nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân, cơ quan quản lý có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ để tìm ra những cơ hội cũng như thách thức trong phát triển cây bơ. Qua đây, Đắk Nông cũng có cái nhìn khách quan hơn về những gì mình cần làm, sẽ làm và phải làm ngay để phát triển bền vững trái bơ.
Đây còn là cơ hội để tỉnh tranh thủ tối đa sự đóng góp, ủng hộ về tinh thần, vật chất, đặc biệt là cơ sở lý luận khoa học của các bộ, ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước để bổ sung vào quy hoạch, chiến lược xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho trái bơ Đắk Nông khi vươn ra thị trường thế giới. Đắk Nông không tự nhận là sản phẩm trái bơ của tỉnh ngon hơn hay ngon nhất, chất lượng cao nhất, nhưng từ sự nhìn nhận đúng đắn, hướng đi phù hợp, khoa học thì chắc chắn sẽ tạo được sức cạnh tranh lớn ở thị trường trong và ngoài nước.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hồng Thoan thực hiện