Chủ đề Ngày Môi trường thế giới 05/6/2016: “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”
Lượt xem:
Hưởng ứng phát động của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà công bố chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2016 của Việt Nam là “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”.
Theo UNEP, chủ đề thiết thực này một lần nữa nhằm truyền cảm hứng cho nhân loại hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với các hệ sinh thái tự nhiên của Trái đất. Thông qua đó, huy động nỗ lực của toàn thể cộng đồng hướng tới ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang làm suy kiệt tài nguyên đa dạng sinh học, đe dọa sự sống còn của các loài động vật trên thế giới. Việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã không chỉ làm suy thoái hệ sinh thái, cướp đi những di sản mà còn đẩy những giống loài đến gần sự tuyệt chủng. Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã cũng là góp phần vào nỗ lực phát triển kinh tế bền vững và an sinh xã hội.
Kể từ năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thực hiện chủ trương đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6, trong đó phát động “Tháng hành động vì môi trường” được thực hiện trên phạm vi cả nước với các hoạt động thiết thực, huy động sự tham gia rộng rãi của cả hệ thống chính trị, tổ chức cộng đồng và từng người dân.
Ngày 06/5/2016, Bộ TN&MT ban hành Công văn số 1628/BTNMT-TCMT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2016; đề nghị các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp tổ chức Ngày Môi trường thế giới 05/6/2016 với các hoạt động trọng tâm như:
Hưởng ứng chuỗi hoạt động trong khuôn khổ “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2016 trên toàn quốc.
Theo đó, thời gian từ tháng 5 đến hết tháng 6 năm 2016, các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương đồng loạt tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới tạo thành chuỗi hoạt động thuộc “Tháng hành động vì môi trường” trên phạm vi cả nước. Đặc biệt là tiếp tục quán triệt, triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) và Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, Luật Đa dạng sinh học; Luật Bảo vệ rừng; các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đến đông đảo cán bộ và tầng lớp nhân dân.
Tổ chức Lễ míttinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2016; treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu chủ đề môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống buôn bán động vật hoang dã ở nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm khuyến khích mọi người cùng hành động bảo vệ môi trường; diễu hành, cổ động về bảo vệ môi trường; tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện quyền và nghĩa vụ tham bảo vệ môi trường.
Các cơ quan truyền thông, báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương tăng thời lượng phát sóng về môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự về chủ đề môi trường, phòng chống buôn bán động vật hoang dã nhân sự kiện Ngày Môi trường thế giới 05/6/2016.
Tổ chức hoạt động phổ biến, giới thiệu các mô hình tiên tiến bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, lên án các hành động buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng sản phẩm thân thiện, tạo dư luận và áp lực xã hội lên án hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn bán động, thực vật hoang dã; vi phạm phát luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học…
Tổ chức ngày hội ra quân thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thả động vật hoang dã về rừng; các hoạt động trồng rừng, trồng cây xanh đô thị; các hoạt động tái chế, ngày hội sống xanh, thi làm sản phẩm tái chế…; ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ hệ thống thoát nước…
Phát hiện, biểu dương và khen thưởng để động viên kịp thời những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có nhiều thành tích trong bảo vệ môi trường bảo tồn đa dạng sinh học; Tổ chức các hoạt động hướng tới cộng đồng vì bảo vệ môi trường khác như: các chương trình giáo dục môi trường, giáo dục bảo tồn cho cộng đồng; tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm tại địa phương; khánh thành, bàn giao các công trình bảo vệ môi trường…
Xây dựng kế hoạch tổ chức và đăng ký các hoạt động thuộc “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2016 để xây dựng kế hoạch phối hợp truyền thông và công bố tại Chương trình truyền hình trực tiếp Lễ phát động quốc gia “Tháng hành động vì môi trường” dự kiến tổ chức vào tối ngày 04/6/2016 tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Nét mới công tác tổ chức Ngày Môi trường thế giới 05/6/2016 gồm nhiều hoạt động có ý nghĩa; với sự đồng chủ trì, phối hợp của các cơ quan như Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, các tổ chức quốc tế.
Thời gian qua, Lào Cai là địa phương có nhiều hoạt động trọng tâm về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; phù hợp với dự kiến chủ đề Ngày Môi trường thế giới 2016 và đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng. Đặc biệt, sự kiện Ngày Môi trường thế giới 05/6 cũng nhằm thiết thực hướng đến Kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Lào Cai; Năm Du lịch quốc gia 2017 tại tỉnh Lào Cai.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động được Việt Nam tổ chức từ năm 1982, đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu./.
(Nguồn tin Website Bộ Tài nguyên và Môi trường)