Chương trình môn Hóa học mới: Tăng tính thực hành và kết hợp giáo dục STEM

Lượt xem:

Đọc bài viết

Theo PGS.TS Đặng Thị Oanh, chương trình môn Hóa học mới sẽ tăng cường tính thực hành, thực nghiệm và kết hợp phương pháp giáo dục STEM.

Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị công bố dự thảo các chương trình môn học theo Chương trình GDPT tổng thể. Hóa học là một trong số các bộ môn quan trọng hàng đầu với học sinh, nhất là các em học sinh THPT vì sẽ thi THPT quốc gia. Trong Chương trình GDPT mới, kiến thức Hóa học sẽ xuất hiện từ cấp THCS với việc tích hợp vào môn Khoa học tự nhiên. Hóa học là môn riêng, độc lập từ cấp THPT.

Theo đó, ở lớp 10, môn này trang bị cho học sinh kiến thức cơ sở hóa học chung về cấu tạo chất và quá trình biến đổi hóa học. Đây là cơ sở lý thuyết chủ đạo để học sinh giải thích được bản chất, nghiên cứu được quy luật hóa học ở nội dung hóa học vô cơ trong chương trình môn lớp 11 và hóa học hữu cơ ở lớp 12.

Tăng tính thực hành, trải nghiệm thay vì tính toán

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Đặng Thị Oanh – Trưởng nhóm xây dựng và phát triển chương trình môn Hóa học mới cho biết, chương trình lần này có một số điểm nhấn quan trọng.

Chương trình môn Hóa học mới: Tăng tính thực hành và kết hợp giáo dục STEM - Ảnh 1

PGS.TS Đặng Thị Oanh – Trưởng nhóm xây dựng và phát triển chương trình môn Hóa học mới. Ảnh: NVCC.

“Chương trình lần này nhấn mạnh định hướng tăng cường bản chất hóa học của đối tượng. Đồng thời, giảm bớt và hạn chế nội dung phải ghi nhớ máy móc cũng như phải tính toán theo kiểu ‘toán học hóa’ vốn ít đi vào bản chất hóa học và thực tiễn.

Về mạch kiến thức, chương trình mới cũng sẽ giống như chương trình hiện hành vì vẫn có ba mạch gồm: Kiến thức cơ sở hóa học chung, Hóa học vô cơ và Hóa học hữu cơ. Các mạch kiến thức này sẽ được xây dựng theo chủ đề. Trong đó, từng chủ đề được quy định về tổng thời lượng. Sau này, từng nhà trường sẽ chủ động xây dựng để phù hợp với địa bàn của mình.

Sau này sẽ có nhiều bộ SGK, các tác giả cũng sẽ có điều kiện để viết sách theo hướng mở, không quá lệ thuộc với thời lượng đã quy định bắt buộc như chương trình hiện hành. Ví dụ, trước đây quy định chương này quy định bao nhiêu tiết, thì giờ đây sẽ xây dựng theo chủ đề chỉ quy định thời lượng dự kiến.

Cấu trúc của chương trình lần này cũng có sự thay đổi. Trước đây, môn Hóa học được sắp xếp xen kẽ giữa kiến thức cơ sở hóa học chung với một, hai chương về một vài chất cụ thể. Ở chương trình mới, sẽ sử dụng các kiến thức cơ sở hóa học chung làm nền tảng cốt lỗi được học ngay từ lớp 10 để học sinh giải thích các chất cụ thể, những quá trình biến đổi các chất ở phần hóa học vô cơ và hữu cơ”.

Chương trình môn Hóa học mới: Tăng tính thực hành và kết hợp giáo dục STEM - Ảnh 2

Ảnh minh họa: Internet.

Ngoài ra, sẽ tăng cường các hoạt động trải nghiệm vì Hóa học cũng là một trong 4 thành phần của giáo dục STEM. Học sinh sẽ được phát triển khả năng tích hợp kiến thức kỹ năng của các môn học Toán – Kỹ thuật – Công nghệ và Hóa học vào việc nghiên cứu giải quyết một số tình huống thực tiễn.

Việc sử dụng các bài tập đòi hỏi tư duy phản biện, sáng tạo (bài tập mở, có nhiều cách giải…), các bài tập có nội dung gắn với thực tiễn… cũng được chương trình đề xuất là một trong những phương pháp chủ yếu.

Một điểm khác cũng đáng chú ý, việc xây dựng chương trình mới cũng sẽ gắn liền với đổi mới kiểm tra đánh giá, thi cử sau này theo định hướng phát triển năng lực. Đánh giá năng lực học sinh là đánh giá cả một quá trình chứ không chỉ là qua một bài kiểm tra, thi cử đơn thuần.

Đình Tuệ/Theo Đời sống pháp lý