Chuyện ở lớp học đặc biệt
Lượt xem:
Đó là lớp học dạy những trẻ em khuyết tật tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông (Gia Nghĩa). Hàng ngày, các cô giáo phải kiên trì, vượt qua nhiều khó khăn để giúp học sinh tiến bộ, chuyển biến từng chút một.
Yêu trẻ, kiên nhẫn và tâm huyết
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông bước vào năm học thứ 2 với 36 học sinh, trong đó 14 em học tại 2 lớp khiếm thính và 24 em học tại 3 lớp chậm phát triển trí tuệ. Vì vậy, bên cạnh phương pháp giáo dục riêng, các cô giáo phải đặc biệt yêu trẻ, kiên nhẫn và tâm huyết thì mới làm tốt công việc của mình.
Cô giáo Nguyễn Thị Khang dạy các em lớp chậm phát triển trí tuệ |
“Cô ơi con mệt rồi, con không muốn học nữa!”, cô Nguyễn Thị Khang, chủ nhiệm lớp chậm phát triển trí tuệ 1B đã chia sẻ với chúng tôi về học trò của mình như thế. Trong câu chuyện về nghề, cô Khang cho biết, các em chậm phát triển trí tuệ nên sự chú ý chỉ được từ khoảng 20-25 phút, trong khi một tiết học là từ 30-35 phút. Khi nào mệt, các em trả lời luôn không muốn học nữa và buộc cô giáo phải hiểu sở thích của em. Ví dụ như học sinh đó thích cái gì thì mình phải tận dụng ý thích đó và nói “bây giờ con học thêm với cô một tý nữa, sau khi học xong cô cho con cái này” thì khi ấy các em mới có thể tiếp tục học, duy trì được hết tiết. Các em thích những đồ chơi như Doremon, mặt cười hoặc là hoa bé ngoan, các cô phải đi mua, làm tặng để động viên học tốt hơn.
Lớp của cô Khang chủ nhiệm chỉ có vỏn vẹn 7 học sinh nhưng trong từng bài giảng, cô phải xây dựng kế hoạch cá nhân cho từng em. Ngay từ đầu năm học, cô giáo phải chủ động tìm hiểu thông tin về từng học sinh để biết các em đang ở mức phát triển nào. Giáo viên phải tìm hiểu kỹ lưỡng về hoàn cảnh gia đình, học sinh và điền thông tin vào kế hoạch cá nhân của các em. Mặc dù học chung một lớp nhưng mức độ nhận thức của các em không giống nhau.
Có em tuổi thực là 10 tuổi nhưng nhận thức chỉ như mới 6 tuổi, khả năng tiếp thu cũng chỉ tương đương với bậc mầm non. Các em tiếp cận kiến thức chậm, hay quên nên trong từng tiết học, giáo viên phải dùng phương pháp nhắc nhở nhiều lần. Học sinh bình thường học lớp 1 chỉ mất 1 năm nhưng với học sinh chậm phát triển như ở đây phải học đến 3 năm; các em khiếm thính thì học 2 năm. Để học hết chương trình tiểu học, có những em phải học đến 10 năm.
Cô giáo Trương Thị Diệu Hằng hướng dẫn các em lớp khiếm thính học ký hiệu về tên và tuổi |
Do Trung tâm mới thành lập nên cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy còn nhiều thiếu thốn. Cô giáo H’Dôn dạy âm nhạc lớp chậm phát triển cho biết: “Vì điều kiện khó khăn, chưa có hệ thống âm thanh, nên giáo viên phải sử dụng điện thoại tải về rồi bật nhạc lên cho các cháu nghe. Muốn các cháu nghe được nhiều bài hát thì phải tải thêm nhiều bài hát. Các cô còn phải tự làm đồ dùng để phục vụ cho việc dạy học”.
Cô giáo Trương Thị Diệu Hằng, chủ nhiệm lớp khiếm thính 1A tâm sự: “Khi mới đi dạy, có một kỷ niệm mà tôi nhớ nhất, đó là có một học sinh lên lớp kể về giấc mơ nhưng mình không hiểu. Em nói là mơ thấy siêu nhân bay nhưng mình tưởng là máy bay. Hai cô trò không hiểu nhau nên em có vẻ hơi buồn. Từ đó, tôi về tự học các ký hiệu để có thể hiểu được các em nhiều hơn”.
Các em trò chuyện với cô giáo qua ngôn ngữ ký hiệu |
Có những niềm vui không nói thành lời
Cống hiến của các cô giáo đã được đền đáp, bởi mỗi học sinh đã có những tiến bộ. Khi chúng tôi hỏi chuyện, trong câu chuyện, có thể các em trả lời chưa đủ ý, nói chưa rõ lời nhưng đều thể hiện thích được đi học.
Em Nguyễn H’Thúy Phượng, lớp khiếm thính 1A đã trả lời “lưu loát” qua ngôn ngữ ký hiệu. Qua “phiên dịch” của cô giáo Hằng, chúng tôi được biết: “Con đi học rất là vui. Con rất thích đi học vì có nhiều bạn bè. Cô giáo rất là thương yêu con. Con rất yêu mọi người”.
Cô giáo Hằng chia sẻ: “Khó khăn nhất của học sinh là không nghe được nên tư duy rất chậm. Các em chỉ hiểu được những điều mà cô nói qua hình ảnh. Mặc dù quan sát, hiểu được ý nghĩa của từng sự vật nhưng khi dạy những khái niệm biểu tượng, các em không hiểu gì. Vì vậy, trong quá trình dạy, tôi đã tăng cường giao tiếp với học sinh và tạo điều kiện để các em giao tiếp với nhau nhiều hơn. Nếu như trước đây ở nhà, các em giao tiếp với gia đình theo ký hiệu riêng của mình, đến nay đã học được các ký hiệu theo quy định của chương trình giáo dục”.
Nói về niềm vui của nghề, cô Hằng tâm sự: “Chúng tôi cũng có nhiều niềm vui của nghề. Dù các em không nói được thành lời nhưng các em đã nói với cô những điều mình nghĩ qua ngôn ngữ ký hiệu. Chẳng hạn như sau những ngày nghỉ về với gia đình, khi trở lại lớp học các em chạy đến ôm cô và nói nhớ cô, nhớ lớp, nhớ bạn qua ngôn ngữ ký hiệu. Nhân các Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày Nhà giáo Việt Nam, các em tặng hoa, có em tự làm thiệp tặng cô, thật sự là những món quà rất ý nghĩa”.
Cô giáo Trương Thị Diệu Hằng hướng dẫn các em tập viết |
Xã hội chung tay, góp sức
Chúng tôi và những người tới dự lễ khai giảng của thầy và trò trung tâm cách đây 2 tháng đã rất xúc động khi nghe thầy Trần Thanh Ảnh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông phát biểu: “Có thể các em không nghe, không hiểu hết, không hiểu kịp những gì thầy phát biểu. Song thầy và các giáo viên, phụ huynh rất mừng vì các em vào đây đều có sự chuyển biến tích cực”.
Các em được các đơn vị đến thăm hỏi, tặng quà |
Chính điều nói trên đã thôi thúc chúng tôi trở lại Trung tâm để tìm hiểu kỹ hơn về công tác dạy học ở đây. Trao đổi về điều kiện của Trung tâm, thầy Ảnh tâm sự: “Giai đoạn đầu, Trung tâm còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Theo quy định, mỗi lớp chỉ được bố trí 5 em và phải có 2 giáo viên phụ trách lớp nhưng đến nay mới chỉ bố trí được 1 giáo viên và phải tăng số học sinh mỗi lớp. Tuy nhiên, Trung tâm luôn được cấp ủy, chính quyền, Sở Giáo dục-Đào tạo quan tâm về nhiều mặt, nên đến nay công tác giảng dạy đã đi vào nền nếp. Phụ huynh, các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện đã góp sức ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần”.
Sự chung tay, góp sức của xã hội bước đầu đã tạo điều kiện cho các em có nơi ăn chốn ở tương đối tốt. Tuy vậy, để giúp các em có thể phục hồi chức năng thì Trung tâm rất cần sự quan tâm hơn nữa về cơ sở vật chất và giáo viên.
Bài, ảnh: Thanh Nga