Công bố kết quả PISA năm 2015: Việt Nam xếp thứ 8 trên tổng số 72 nước tham gia
Lượt xem:
Ngày 6/12, OECD công bố kết quả của các nước tham gia PISA 2015. Theo kết quả PISA năm 2015, Việt Nam xếp thứ 8 trên tổng số 72 nước tham gia đánh giá.
PISA là tên gọi tắt của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế do OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới) khởi xướng và chỉ đạo. PISA là chương trình đánh giá học sinh có quy mô lớn nhất trên thế giới hiện nay. Việt Nam tham gia PISA chu kỳ đầu tiên năm 2012, đã hoàn thành chu kỳ PISA 2015 và đang tiếp tục triển khai PISA 2018.
Đối tượng đánh giá là học sinh độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia. PISA tập trung đánh giá năng lực của học sinh ở ba lĩnh vực chính là Đọc hiểu, Toán học và Khoa học.
Khảo sát Pisa năm 2015 của Việt Nam. Ảnh: Bộ GD&ĐT |
Chu kỳ PISA 2015, ở lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đứng thứ 8 (Top 10); Lĩnh vực Toán học, Việt Nam đứng thứ 22; Lĩnh vực Đọc hiểu là 32.
So với trung bình kết quả của các nước OECD:
Ở lĩnh vực Khoa học: Kết quả trung bình của các quốc gia OECD là 493 điểm, của học sinh Việt Nam là 525 điểm. Kết quả của học sinh Việt Nam cao hơn trung bình các nước OECD 31,4 điểm một cách có ý nghĩa thống kê.
Ở lĩnh vực Toán học: Kết quả trung bình của các quốc gia OECD là 490 điểm, của học sinh Việt Nam là 495 điểm. Kết quả kiểm định về sự khác biệt kết quả trung bình của hai mẫu độc lập cho thấy, kết quả của học sinh Việt Nam cao hơn kết quả trung bình của OECD 5 điểm nhưng sự kiểm định cho thấy, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, nghĩa là kết quả Toán học của học sinh Việt Nam tương đương với điểm trung bình của OECD.
Ở lĩnh vực Đọc hiểu: Kết quả trung bình của các quốc gia OECD là 493 điểm, của học sinh Việt Nam là 487 điểm. Mặc dù kết quả trung bình lĩnh vực Đọc hiểu của Việt Nam thấp hơn trung bình của các quốc gia/vùng lãnh thổ OECD 6 điểm nhưng sự kiểm định cho thấy, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, nghĩa là kết quả Đọc hiểu của học sinh Việt Nam tương đương với điểm trung bình của OECD.
Kết quả PISA 2015 cho thấy, một số điểm nổi bật về năng lực của học sinh Việt Nam ở ba lĩnh vực Khoa học, Toán học, Đọc hiểu. Học sinh Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu của OECD trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các em đã biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống trong bài thi PISA.
Đặc biệt, kết quả Top 10 ở lĩnh vực Khoa học mang đến cho Việt Nam một ý nghĩa quan trọng về sự phát triển năng lực của học sinh, đa số các em đã nắm vững kiến thức khoa học cơ bản, phát huy được khả năng lập luận, giải thích và áp dụng kiến thức khoa học vào giải quyết nhiều tình huống thực tiễn của cuộc sống. Đặc biệt, một tỷ lệ học sinh (gần 10%) đạt kết quả ở cấp độ năng lực khoa học cao nhất (mức 5, 6) cho thấy nhóm học sinh này đủ tự tin để giải quyết những tình huống khoa học và công nghệ phức tạp trong cuộc sống hiện đại.
Tham gia PISA là một bước tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục
Theo danh sách chọn mẫu khảo sát chính thức PISA 2015, Việt Nam có 197 cơ sở giáo dục được chọn, trong đó có 01 trường nghề, 09 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 04 trường phổ thông liên cấp (cấp 2 và cấp 3), 04 trường phổ thông dân tộc nội trú, 28 trường THCS và 150 trường THPT. Mỗi trường có 35 học sinh tham gia và một số trường có số học sinh tuổi 15 ít hơn 35 em.
Sau khi đàm phán, OECD đồng ý cho Việt Nam lược bỏ 09 trường mẫu nhỏ, học sinh dưới 5 em tuổi 15. Tổng số mẫu trường tham gia khảo sát chính thức thực tế là 188 trường với 5.826 học sinh trên toàn quốc. Khảo sát chính thức PISA chu kỳ 2015 diễn ra tại Việt Nam vào cuối tháng 4/2015.
Việt Nam tham gia chu kỳ đầu tiên là PISA 2012, chính thức triển khai các hoạt động của PISA vào tháng 3 năm 2010; OECD đã công bố kết quả PISA 2012 vào tháng 12/2013; Việt Nam đã hoàn thành PISA chu kỳ 2015 và hiện nay đang tiếp tục triển khai PISA chu kỳ 2018.
Tham gia PISA, ngoài các mục đích chung giống như các quốc gia khác, Việt Nam còn có các mục đích cụ thể sau: Tham gia PISA là một bước tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục; góp phần đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trên lớp học và đánh giá trên diện rộng theo hướng đánh giá năng lực của học sinh; phát triển tư duy độc lập, sáng tạo trong học tập của học sinh và khả năng vận dụng các kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn.
Tham gia PISA là bước chuẩn bị tích cực cho lộ trình đổi mới giáo dục sau 2015, thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng phát triển năng lực của học sinh.
Kết quả PISA là một minh chứng cho thấy, giáo dục Việt Nam đã không ngừng vận động, đổi mới và phát triển trong thời gian qua, đã gặt hái được một số thành tựu đáng kể. Điều này đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về giáo dục Việt Nam trong con mắt của chính người Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Nguồn dangcongsan.vn