Công cụ bồi dưỡng giáo viên hiệu quả và … miễn phí

Lượt xem:

Đọc bài viết

ThS. Bùi Lê Diễm, ThS. Hồ Thị Thu Hồ, PGS.TS. Nguyễn Văn Nở (Trường ĐH Cần Thơ) chia sẻ những hình thức ứng dụng ICT trong bồi dưỡng giáo viên miễn phí nhưng hiệu quả.

Facebook nhóm được sử dụng trong tập huấn giáo viênFacebook nhóm được sử dụng trong tập huấn giáo viên

Đó là những bộ công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến như: Bộ các ứng dụng của Google dành cho giáo dục; dịch vụ OKMindmap; phần mềm Scratch; mạng xã hội Facebook và hệ thống LMS mã nguồn mở Moodle.

Những công vụ này được nhóm tác giả chia sẻ trong tham luận tại hội thảo “Phát triển năng lực trường sư phạm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng giáo viên & CBQL cơ sở giáo dục phổ thông” do Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên & CBQL cơ sở giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Bộ G Suite dành cho giáo dục của Google

Các ứng dụng Google cho giáo dục được phát triển với khả năng liên kết, hỗ trợ lẫn nhau như một hệ thống phần mềm điều hành, quản lý, thông tin, kết nối của cả một trường học.

Tại các trường, giáo viên (GV), nhân viên, học sinh (HS) và cả phụ huynh đều được sử dụng miễn phí các tiện ích như: hệ thống email Gmail, lịch Google, lưu trữ Google Drive và các sản phẩm nâng cao tính tương tác hữu ích khác như Google Docs, Google Sites, Google Sheets, Google Classroom,…

Google cho biết họ cung cấp hệ thống ứng dụng giáo dục này cho các trường học với tiêu chí “4 không” gồm: không đầu tư máy chủ, không mua bản quyền, không cài đặt và cấu hình, không cần nâng cấp hệ thống. Ngoài ra, hệ thống phần mềm này ứng dụng công nghệ điện toán đám mây của Google để lưu trữ dữ liệu nên giảm thiểu tối đa khả năng tiêu thụ điện năng, khí thải và tối ưu hóa các máy chủ, góp phần bảo vệ môi trường.

Trong tập huấn, nhóm tác giả cho biết vừa giới thiệu cho GV về Google Apps nhưng cũng vừa sử dụng chính ứng dụng này để cho họ làm bài tập áp dụng.

Ví dụ hướng dẫn GV cùng xây dựng tài liệu qua Google Docs, cùng thực hành những thống kê qua Google Sheet, hoặc mỗi người tự xây dựng một trang Web qua Google Sites và cũng từ trang web này, GV sẽ nộp các bài tập của họ.

Đầu buổi và cuối buổi, hướng dẫn GV sử dụng Google Form để khảo sát ý kiến của họ trước và sau tập huấn. Ở đây vừa bồi dưỡng ICT cho GV nhưng cũng vừa thu nhận ý kiến của GV qua ICT.

Bộ công cụ các ứng dụng của Google dành cho giáo dục

Ứng dụng Facebook

Trong giáo dục, Facebook cũng ngày càng được sử dụng phổ biến. Hiện nay, trên Facebook đã có rất nhiều trang FanPage của các trường học, và Facebook Group của các lớp học, nhóm học tập, cộng đồng mạng…

Tuy nhiên, việc sử dụng Facebook cũng có những hạn chế nhất định nếu nó không được sử dụng đúng mực vì vậy GV và HS cần được hướng dẫn cách khai thác trang mạng xã hội này một cách hiệu quả để sử dụng vào việc dạy và học.

Đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên, việc sử dụng Facebook trong dạy và học vẫn cần được phát huy hơn nữa trong môi trường giáo dục ở Việt Nam để chúng ta “lợi dụng” nó một cách thật sự hiệu quả, và như thế chắc chắn sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều tiền của, thời gian và công sức dành cho việc đổi mới giáo dục hiện nay.

Facebook được Trường ĐH Cần Thơ sử dụng như một phương tiện đế kết nối mọi người lại với nhau. Tất cả bài làm của GV đều được đưa lên Facebook của nhóm tập huấn, mọi người cùng chia sẻ và học tập với nhau.

Ngay từ đầu buổi tập huấn, nhóm tác giả cho biết đã tạo Facebook nhóm để mọi người kết nối với nhau. Cho đến nay, Facebook các lớp tập huấn này vẫn còn, GV với giảng viên và GV với GV vẫn còn chia sẻ với nhau qua trang mạng này.

Trang OKMindmap với giao diện tiếng Việt

Công cụ trực tuyến OKMindmap

Với công cụ này, nhóm tác giả chọn sử dụng dịch vụ web 2.0 hoàn toàn miễn phí là OKMindmap http://okmindmap.com/, sản phẩm của công ty Jinotech Hàn Quốc.

Tùy theo điều kiện mà mỗi người sẽ vận dụng khác nhau. GV có thể soạn bài dạy qua các sơ đồ tư duy, cán bộ quản lý có thể ứng dụng trong xây dựng kế hoạch công việc và chia sẻ qua mạng,…

Công cụ trực tuyến Scratch

Scratch là tên gọi của một loại ngôn ngữ lập trình, được nghiên cứu và phát triển bởi nhóm Lifelong Kindergarten thuộc Trung tâm Media Lab của Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ.

Phiên bản Scratch 2.0 đang là phiên bản hiện hành. Tuy nhiên, Scratch đang cùng với Google nâng cấp phiên bản Scratch 3.0 hỗ trợ lập trình trên điện thoại thông minh và thông báo sẽ phát hành vào năm 2018. Đây là bước tiến mới, hứa hẹn tiềm năng rất lớn trong ứng dụng Scratch cho dạy học trên toàn thế giới.

Trường ĐH Cần Thơ bồi dưỡng ngôn ngữ lập trình này đến giáo viên để ứng dụng trong thiết kế nhiều hoạt động dạy học khác nhau. Đặc biệt để GV hướng dẫn lại cho HS của mình cùng ứng dụng để tăng tính sáng tạo và năng động trong học tập.

Trình soạn thảo Scratch có giao diện tiếng Việt 

Công cụ trực tuyến Moodle

Hệ thống Elearning của Khoa Sư Phạm, Trường ĐH Cần Thơ http://else.ctu.edu.vn/ được xây dựng nhằm phục vụ đào tạo và bồi dưỡng sinh viên ngành sư phạm sử dụng hệ thống LMS mã nguồn mở nổi tiếng Moodle trong dạy học trực tuyến.

Với tính năng kết nối LTI (Learning Tools Interoperability Connection), việc kết nối tài nguyên từ Moodle vào OKMindmap dùng cho dạy học là một đặc tính đặc biệt có ích trong hỗ trợ học qua mạng.

Hệ thống Moodle của Khoa Sư Phạm, Trường Đại học Cần Thơ

Dạy học qua WebQuest

Nhóm tác giả đề xuất mô hình WebQuest được xây dựng bằng OKMindmap từ cổng điện tử CTU WebQuest http://webquest.ctu.edu.vn/ như WebQuest Lập trình Scrach để giải bài toán thực tế vì những lợi ích mà hệ thống trang web dạng sơ đồ tư duy mạng lại trong tổ chức các hoạt động học tập trực tuyến kiểu WebQuest.

Ngoài ra, thư viện các dự án Scratch là sản phẩm của bài tập WebQuest được xây dựng bởi sinh viên là nguồn tài nguyên giáo dục mở hiệu quả giúp người học rèn luyện về tư duy máy tính cũng như các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21.

Thư viện Scratch được xây dựng bởi sinh viên khoa Sư phạm – Trường ĐH Cần Thơ

WebQuest là một phương pháp dạy học mới, một kỹ thuật dạy học hay, được xây dựng trên cơ sở phương tiện dạy học mới là công nghệ thông tin và Internet. Trong đó người học tự lực thực hiện hoặc theo nhóm một nhiệm vụ về một chủ đề phức hợp, gắn với tình huống thực tiễn.

Những thông tin cơ bản về chủ đề được truy cập từ những trang liên kết (Internet links) do giáo viên chọn lọc từ trước. Việc học tập theo định hướng nghiên cứu và khám phá, kết quả học tập được học sinh trình bày và đánh giá.

Trong tiếng Anh, Web ở đây nghĩa là mạng, Quest nghĩa là tìm kiếm, khám phá. Dựa trên thuật ngữ và bản chất của khái niệm có thể gọi WebQuest là phương pháp “khám phá trên mạng”. WebQuest là một dạng đặc biệt của dạy học sử dụng truy cập mạng Internet.

Một WebQuest được chuyển tới người học qua giấy hoặc qua trang web. Trang web này như là một “căn cứ” nhằm phục vụ cho hoạt động của người học học bằng WebQuest.

Hải Bình (ghi) – Giáo dục và Thời đại