Cư Jút phát huy vai trò cộng đồng trong bảo tồn văn hóa truyền thống
Lượt xem:
Huyện Cư Jút hiện có 23 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, mỗi dân tộc đều mang một bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng các vùng miền. Với thực tế đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã đề ra nhiều giải pháp, nhất là phát huy vai trò của cộng đồng để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Cùng cồng chiêng, các cô gái Ê đê luôn mang tới không gian lễ hội những điệu múa đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh tư liệu |
Theo đó, cùng với việc duy trì tổ chức định kỳ Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, tái hiện nghi lễ cúng bến nước, lễ rước K’pan, lễ lên nhà mới… tạo nên không khí tươi vui, đoàn kết giữa các dân tộc, công tác tuyên truyền để xây dựng phong trào bảo tồn văn hóa tại cơ sở luôn được quan tâm thực hiện.
Đặc biệt, huyện cũng khuyến khích, động viên các già làng, nghệ nhân, trưởng buôn phát huy vai trò trong việc vận động con cháu gìn giữ tiếng nói, trang phục của dân tộc mình. Trên thực tế, nhiều nghệ nhân đã đứng ra truyền dạy, nhờ đó cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm vẫn được duy trì, phát triển.
Nghệ nhân Y Sim ở buôn Nui, xã Tâm Thắng là người rất am hiểu văn hóa truyền thống của người Ê đê. Với tâm huyết gìn giữ những gì cha ông để lại và được sự ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như bà con trong buôn, nghệ nhân đã tham gia nhiều lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho các bạn trẻ trên địa bàn. Qua chọn lựa, ông sử dụng các bài chiêng quen thuộc để truyền dạy cho mọi người như: Đánh báo lễ hội, Gió thổi thác chảy, Chiriria, Con sóc bay…
Nghệ nhân Y Sim cho hay: “Bảo tồn văn hóa truyền thống phải đi từ thực tế trong cuộc sống của người dân và để bà con, lớp trẻ hiểu được giá trị to lớn của văn hóa truyền thống cần phải có thời gian. Vì vậy, đi đâu, làm gì tôi đều vận động bà con cùng chung tay gìn giữ nét quý của dân tộc mình”.
Các thiếu nữ Ê đê mặc trang phục truyền thống và múa vũ điệu đón khách |
Tương tự, ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng, bà H’Đá cũng đã truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho các chị em trong buôn và quanh vùng. Bà H’Ni cũng dạy cho con cháu biết hát Aray để gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, tránh xa những trò chơi vô bổ, nguy hại. Những bài hát Aray của người Ê đê được bà thể hiện một cách mượt mà, sâu lắng, giúp cho con trẻ ngày càng hiểu hơn sự tinh tế, giá trị tinh thần của văn hóa dân tộc.
Điều đáng ghi nhận nữa là một số dân tộc phía Bắc luôn nỗ lực trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống trên quê hương mới. Điển hình, đồng bào dân tộc Dao ở các xã Đắk Wil, Ea Pô đã lưu giữ được nhiều trang phục truyền thống, nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dệt thổ cẩm và hàng năm thường tổ chức các lễ hội truyền thống như: lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, lễ mừng thọ, lễ mừng sinh nhật…
Đội cồng chiêng buôn Nui luôn có mặt trong các lễ hội của cộng đồng |
Theo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cư Jút, hiện nay trên địa bàn huyện có 1 câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng cấp huyện; 3 đội cồng chiêng của các bon, buôn; 4 CLB đàn Tính hát Then; 2 CLB dân ca Quan họ Bắc Ninh… Ngoài việc tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc, dân ca cho thanh thiếu niên tại các bon, buôn, địa phương còn đưa đàn Tính hát Then vào giảng dạy ở một số trường học.
Đặc biệt, CLB đàn Tính hát Then của các xã Nam Dong, Đắk D’rông đã đại diện cho tỉnh tham gia liên hoan toàn quốc tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, đạt được nhiều kết quả khích lệ. Hiện tại, huyện đã có 4 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và hiện đang đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” cho 2 nghệ nhân và danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 3 nghệ nhân nữa.
Bài, ảnh: Mỹ Hằng