Đắk Mil, một số trường học thu, chi “quá đà”
Lượt xem:
Qua khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Đắk Nông mới đây, tình trạng thu, chi các khoản tự nguyện của phụ huynh học sinh ở một số trường học trên địa bàn huyện Đắk Mil vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.
Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân ở xã Thuận An hiện có 443 học sinh ở các khối lớp; trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 42%. Qua khảo sát, đã phát hiện nhiều hạn chế trong thực hiện thu, chi các khoản đóng góp tự nguyện. Nội dung các biên bản họp phụ huynh liên quan đến các khoản thu, chi còn sơ sài, chưa rõ ràng.
Đối với khoản thu tin nhắn điện tử, mặc dù biên bản họp ở các lớp cho thấy hầu hết phụ huynh có ý kiến chưa đồng tình cao, nhưng trường vẫn triển khai thực hiện. Một số khoản là thỏa thuận, nhưng trường đưa vào thu bắt buộc như quỹ bảo vệ, vệ sinh lớp và quỹ khuyến học….lên đến trên 90 triệu đồng/năm.
Việc thu, chi tất cả các khoản tự nguyện còn cào bằng giữa tất cả các đối tượng phụ huynh, không đúng theo tinh thần hướng dẫn của các thông tư về thực hiện xã hội hóa. Đối với học sinh thuộc diện cận nghèo hiện đang được Nhà nước hỗ trợ các chính sách, nhưng trường vẫn thu 50% các khoản đóng góp. Đáng nói là hầu hết các khoản thu đều không có biên lai biên nhận và hiện vẫn chưa có dự toán, kế hoạch thu, chi rõ ràng.
Mặt khác, các nội dung chi của quỹ hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh ở Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân chưa hợp lý, hầu hết vẫn còn sử dụng chi cho các hoạt động của nhà trường. Cụ thể như mua sắm công cụ, sửa chữa, văn phòng phẩm; hỗ trợ cho việc tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh yếu kém; giao lưu với ban đại diện cha mẹ học sinh của các trường trong địa bàn; quỹ an ninh quốc phòng; hỗ trợ cho giáo viên chủ nhiệm; chăm sóc cây cảnh…
Tại Trường THPT Trần Hưng Đạo ở thị trấn Đắk Mil, mặc dù việc triển khai thu các khoản tự nguyện có công khai, nhưng nhiều khoản thu, chi vẫn chưa hợp lý và đúng với quy định. Theo quy định, khi triển khai thu, chi các khoản thỏa thuận, trường phải trình và xin ý kiến của cấp quản lý, nhưng hầu hết đều chưa có văn bản đồng ý của Sở Giáo dục-Đào tạo.
Về các khoản thu của trường, một số thành viên đoàn khảo sát cho rằng: “Chóng mặt, vì danh sách quá dài, với nhiều khoản thu”. Nhiều khoản thu, chi thuộc nguồn chi thường xuyên của trường, nhưng lại thu với số tiền lớn như: Tiền phục vụ thi và kiểm tra tập trung lên đến trên 180 triệu đồng/năm; tiền chi trả bảo vệ và vệ sinh, điện nước trên 118 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, theo phân tích của các thành viên đoàn khảo sát thì để giảm gánh nặng cho phụ huynh trong đóng góp, một số khoản thu, trường có thể cắt giảm. Ví dụ, trường nên đầu tư mua máy lọc nước tự động phục vụ cho toàn thể cán bộ, nhân viên, học sinh để giảm thu tiền mua nước uống hàng năm (trên 68 triệu đồng/năm).
Để rèn luyện kỹ năng, tạo thói quen lao động, trường nên để các lớp phân công học sinh tự làm, không nên thu thêm tiền vệ sinh. Đối với hệ thống máy vi tính, thiết bị dạy học thì nên tu sửa, sẽ cắt giảm được phần nào chi phí mua mới hàng năm.
Theo đánh giá của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, sở dĩ việc thực hiện thu, chi các khoản thỏa thuận có sự “quá đà”, một phần là do quỹ hoạt động thường xuyên của các trường không được phân bổ đầy đủ theo quy định. Mặc khác, các trường còn nhầm lẫn, không phân biệt rõ được quy định của các thông tư về thực hiện xã hội hóa.
Va Ly