Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý phục vụ yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
Lượt xem:
Theo thống kê, toàn ngành Giáo dục hiện có trên 12.000 cán bộ, giáo viên; trong đó khoảng 9.000 giáo viên.
Giáo viên huyện Tuy Đức tham gia Hội thi Phụ nữ sáng tạo |
Trong những năm qua, mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, chất lượng giáo dục ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên còn hạn chế về năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục, đào tạo.Tỷ lệ CBQL, giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn cao, nhưng chuẩn về nghề nghiệp vẫn còn hạn chế.
Vì vậy, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch để cụ thể hóa việc thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025” của Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Theo đó, đội ngũ CBQL, giáo viên sẽ được đào tạo trình độ chuẩn hóa và trên chuẩn để thực hiện chương trình sách giáo khoa mới cũng như có cơ hội được đào tạo trình độ sau đại học phù hợp với quy hoạch. Mục tiêu đến năm 2020, Khoa Sư phạm Trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh và Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học phấn đấu có 100% giảng viên và CBQL được đào tạo đạt chuẩn (60% đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên); đồng thời được bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy, giáo dục, năng lực quản lý, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Đối với các trường phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp sẽ đào tạo khoảng 270 giáo viên để thay thế số giáo viên nghỉ hưu và bổ sung do phát triển quy mô trường lớp.
Toàn tỉnh phấn đấu 100% nhà giáo, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông được bồi dưỡng năng lực triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp. Đối với CBQL được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ quản lý trước khi được bổ nhiệm.
Giáo viên được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi được bổ nhiệm vào hạng nghề nghiệp tương ứng. Nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được bồi dưỡng năng lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên, liên tục ngay tại trường. Nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông công tác tại các vùng dân tộc, các trường phổ thông dân tộc nội trú sử dụng được ít nhất một tiếng dân tộc ở địa bàn công tác.
Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025 sẽ bảo đảm năng lực đội ngũ nhà giáo, giảng viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. CBQL cơ sở giáo dục được chuẩn hóa ngang với mặt bằng chung của cả nước, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục |
Lộ trình thực hiện đề án sẽ được chia theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2016-2020), tỉnh sẽ đưa các cơ sở có chức năng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vào hoạt động. Các cơ sở đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng cũng như thu hút nhiều lực lượng tham gia.
Từ sau năm 2020, tỉnh sẽ tạo lập cơ chế duy trì các mục tiêu đạt được, bảo đảm chất lượng và hiệu quả bền vững. Các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thể chế theo hướng tăng cường bồi dưỡng theo nhu cầu, yêu cầu của vị trí việc làm. Các chức danh phải được bồi dưỡng trước khi đề bạt, bổ nhiệm. Người đứng đầu các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở sử dụng cán bộ, công chức, viên chức được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Theo Sở Giáo dục – Đào tạo, việc triển khai kế hoạch sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nói riêng và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nói chung. Năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, giáo viên được nâng cao, đáp ứng nhu cầu và quy hoạch sử dụng lâu dài. Đây cũng là một trong những nhân tố quyết định việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo một cách toàn diện, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiền