Đề thi minh họa THPT quốc gia 2017: Văn hoang mang, Sử bối rối…

Lượt xem:

Đọc bài viết

Không thi trắc nghiệm nhưng đề Văn năm nay giảm xuống còn 120 phút cho cả 3 phần đọc hiểu, nghị luận văn học và nghị luận xã hội khiến học sinh, giáo viên cho rằng có quá ít thời gian để làm bài. Trong khi đó, thi trắc nghiệm môn Sử cùng một số môn xã hội khác cũng đang gây bối rối cho cả học sinh lẫn giáo viên.

Đề thi minh họa THPT quốc gia 2017: Văn hoang mang, Sử bối rối… - 1

Loay hoay với đề Văn

Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ, em và các bạn cùng lớp đã thử làm đề minh họa môn Văn khi Bộ vừa công bố, thời gian làm bài hết thời gian 150 phút. “Nếu chỉ được 120 phút, em không thể hoàn thiện trọn vẹn phần nghị luận văn học bởi phần này cần rất nhiều thời gian để diễn đạt rõ ý tứ, cách viết cũng cần có thời gian suy nghĩ để câu từ được bay bổng, văn chương một chút”, Quỳnh Anh nói.

Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng môn Ngữ Văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) cho rằng, so với đề văn năm trước, đề năm nay rút ngắn phần đọc hiểu và phần viết văn nghị luận xã hội (từ 600 từ xuống còn 200). Tuy nhiên, theo cô Nga, 200 từ để viết một bài văn là quá khó, riêng phần mở bài, em nào chắt chiu, giỏi lắm cũng mất 20 từ. Trong khi cấu trúc đề vẫn 3 phần gồm đọc hiểu, làm văn nghị luận văn học, nghị luận xã hội chỉ gói gọn trong 2 giờ đồng hồ.

“Cả cô và trò đã thử sức nhưng nói thật là rất loay hoay vì lâu nay học sinh đã quen với cách học, bài bài văn dài. Hi vọng bộ lắng nghe và thấu hiểu được học sinh, giáo viên để cho thời gian làm bài là 180 phút như cũ”, cô Nga nói.

Cô Võ Thị Hoài Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Quảng Chí (Hà Tĩnh) cũng cho rằng, học sinh rất kêu khi môn Ngữ văn đột ngột bị giảm mất 60 phút làm bài thi. Theo cô Thanh, tuy đề có rút ngắn phần đọc hiểu nhưng để làm tốt được bài thi, học sinh mất ít nhất 150 phút.  Vì riêng phần đọc đề, vạch ý đã mất 15 phút, chưa kể thời gian để học sinh suy nghĩ câu từ trước khi viết. Theo cô Thanh, riêng phần nghị luận văn học, phải thật sự có thời gian, học sinh mới phát huy hết được cảm xúc, ý tứ của đề yêu cầu.

Loạn đề trắc nghiệm Lịch sử

Sau khi Bộ GD&ĐT  công bố đề thi minh họa 14 môn thi chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017, lập tức trên nhiều website xuất hiện nhiều bộ đề trắc nghiệm luyện thi môn Lịch sử. Chỉ cần gõ google, sẽ thấy có những bộ đề như: Bộ 315 câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử lớp 12 – sách giải người thầy của bạn; 1.260 câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử lớp 12…Trong đó, các câu hỏi có kiến thức về lịch sử cũng được thiết kế dưới dạng 1 câu hỏi 4 đáp án. Có đề kèm lời giải ngay tại câu hỏi, có đề dành lời giải ra trang sau đang thu hút học sinh, giáo viên.

Tuy nhiên, điều đáng nói là những bộ đề trắc nghiệm này đều không có tác giả, nhà xuất bản nào đứng ra chịu trách nhiệm. Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu cho rằng, hiện có quá nhiều bộ đề trắc nghiệm được chuyền tay nhau trên các trang mạng, facebook…mà không có ai kiểm duyệt khiến giáo viên, học sinh hoang mang. Những bộ đề này có nhiều câu sai sót, vì có thể người làm đề không phải là giáo viên dạy Lịch sử. Cũng theo thầy Hiếu, sau khi có đề minh họa của Bộ, thầy trò đã thay đổi cách dạy học rất nhiều.

Cô Nguyễn Thanh Lan, giáo viên dạy Lịch sử một trường THPT tại Hà Nội cho rằng, Bộ đưa môn Lịch sử vào ghép cùng hai môn Địa lý và Giáo dục công dân để thi trong thời gian 1 buổi, thời lượng 150 phút với ba đề liên tiếp 120 câu hỏi là quá dài. “Chưa nói đến độ khó, chỉ đọc đề thôi học sinh cũng hoa mắt, chóng mặt và có thể tích bừa dẫn đến nhiều câu sai sót đáng tiếc”, cô Lan nói. Cũng theo cô Lan, hiện nay giáo viên chưa có tài liệu hướng dẫn cách ôn tập theo hướng mới nên vẫn đang tự bơi.

PGS.TS Vũ Dương Ninh (ĐHKHXH&NV – ĐHQG Hà Nội) cho rằng: “Cách ghép 3 môn thi trong tổ hợp môn với thời gian như vậy là bất hợp lý, không thực tế. Học sinh đang tư duy môn Lịch sử lại nhảy sang Địa lý rồi Giáo dục công dân khiến học sinh căng thẳng, rối bời”, ông nói. Chưa kể, thi theo phương pháp trắc nghiệm buộc học sinh phải ghi nhớ chính xác về thời gian, địa điểm, nhân vật, sự kiện lịch sử. Điều này là cần thiết nhưng không đủ, thậm chí không đạt mục tiêu chính của môn học nếu thi trắc nghiệm.

Theo Nguyễn Hà (Tiền Phong)