Độc đáo sắc màu thổ cẩm (Kỳ 3): Nỗ lực khôi phục nghề truyền thống
Lượt xem:
Bằng tình yêu văn hóa dân tộc, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nghề dệt thổ cẩm vẫn được không ít đồng bào duy trì và trao truyền cho thế hệ trẻ.
Chị Thị Tơr, dân tộc M’nông ở bon Bu Bir, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) hướng dẫn các em nhỏ học hoa văn và dệt thổ cẩm. Ảnh: A Trư |
Gửi gắm cả tâm hồn
Bà Thị Xanh ở bon Bu Kóh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) hàng ngày vẫn ngồi bên khung cửi để dệt nên những tấm vải mình yêu thích. Theo lời bà kể, hồi mới lên 10 tuổi, mỗi lần thấy bà và mẹ bày khung cửi là bà đều chạy đến ngồi bên cạnh để học. Ban đầu thì học cách xếp khung cửi, bày chỉ, rồi dần học dệt các sản phẩm đơn giản. Khi tự tay có thể dệt được sản phẩm đầu tiên là một tấm vải thì bà lại càng yêu thích nghề dệt thổ cẩm hơn và cũng từ đó, khi có thời gian rảnh rỗi là ngồi bên khung cửi để dệt.
Theo bà, để dệt xong một cái chăn phải mất 20 ngày, một cái váy, khố mất 10 ngày, chiếc áo mất 5 ngày, túi xách mất 2 ngày… Chỉ với một khung dệt đơn giản, dưới bàn tay khéo léo của bà, những cuộn len, sợi chỉ đã trở thành những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Những nét hoa văn trang trí ở đường viền chân váy, cổ áo, tay áo…có đủ hình ảnh từ thiên nhiên như hoa, chim, thú, được bà cách điệu một cách tinh tế.
Không chỉ dệt, thêu những nét hoa văn truyền thống của người M’nông, bà Thị Xanh còn có nhiều sáng tạo, cách tân trong những sản phẩm thổ cẩm cho phù hợp với phong cách hiện đại, nhưng không làm mất đi nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Bà Thị Xanh cho biết: “Từ nhỏ, tôi được bà và mẹ chỉ dạy cách dệt thổ cẩm truyền thống. Mỗi tấm thổ cẩm đều gắn liền với một kỷ niệm riêng biệt và mang cả tâm hồn người dệt nữa. Vì vậy, sản phẩm thổ cẩm được xem như là thước đo đánh giá sự khéo léo, cần cù của người phụ nữ đảm đang. Dệt thổ cẩm không chỉ dùng để trang trí, tô điểm cho sắc đẹp mà còn là vật kỷ niệm của tình yêu trong ngày cưới của các đôi trai, gái…”.
Bà Thị Xanh hướng dẫn cách dệt thổ cẩm cho cháu gái |
Tương tự, chị H’Nghét ở bon Bu Kol, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cũng đã làm quen với khung cửi hơn 30 năm. Bởi vậy, ngày nào không đụng đến khung cửi là chị cảm thấy như thiếu một thứ gì đó. Những tấm áo choàng, khố, túi xách được dệt, thêu một cách cẩn thận, tỉ mỉ đến từng họa tiết, không chỉ phục vụ trong gia đình mà còn bán cho những ai có nhu cầu. Vì thế, chị cũng có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình.
Chị H’Nghét cho biết: “Dệt thổ cẩm gắn liền với chị em dân tộc thiểu số từ thuở ấu thơ và nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người. Mỗi khi dệt vải, chúng tôi đều hình dung ra cách thức chuyển tiếp hoa văn như thế nào cho phù hợp và gửi gắm cả tâm hồn mình vào đó. Chỉ cần nhìn vào tấm thổ cẩm có thể nhận biết được tình cảm của người dệt”.
Những tín hiệu đáng mừng
Được sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất của chính quyền, cơ quan văn hóa, trong vài năm gần đây, một số địa phương trong tỉnh đã phục hồi nghề dệt thổ cẩm, nhằm giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc bản địa.
Điển hình, vào các bon làng trên địa bàn xã Đắk R’tíh, hình ảnh dễ bắt gặp nhất là các bà, các mẹ say sưa dệt những tấm vải mình yêu thích.
Chị Thị Ai ở bon Bu Kóh cho biết: “Cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng bà con trong bon ai cũng yêu thích nghề dệt truyền thống, bởi nó đã ăn sâu vào trong ý thức của mỗi gia đình nơi đây. Qua các thế hệ, mẹ truyền nghề cho con gái, chị bày vẽ cho em cách dệt những trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cứ thế, từ khi còn nhỏ, người con gái M’nông đã được chỉ dạy, làm quen với nghề dệt thổ cẩm, đến tuổi đi lấy chồng thì tự tay dệt được bộ váy áo bằng thổ cẩm để dùng vào các dịp lễ, ngày hội của bon làng”.
Từ năm 2010 đến nay, được sự quan tâm của chính quyền, ngành chức năng, xã Đắk R’tíh đã mở được 32 lớp dạy nghề thổ cẩm, với hàng trăm lượt người tham dự. Mỗi lớp học kéo dài trong khoảng thời gian 3 tháng, thu hút được rất nhiều chị em tham gia học hỏi, nâng cao tay nghề. Tất cả các chị em sau khi được học nghề đều tự trang bị cho mình một khung cửi, những lúc rảnh rỗi lại say sưa dệt nên những sản phẩm thổ cẩm.
Phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Đắk Glong thi dệt thổ cẩm trong Ngày hội văn hóa các dân tộc |
Theo thống kê của UBND xã Đắk R’tíh, hiện nay, trên địa bàn xã có gần 1.000 phụ nữ dân tộc M’nông từ 18 tuổi trở lên thì đã có đến 900 người biết dệt thổ cẩm. Một điều đáng mừng là hơn 70% chị em trong số này là lớp trẻ, từ 18-30 tuổi. Với việc ngày càng có nhiều bạn trẻ biết dệt thổ cẩm thì công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cũng gặp nhiều thuận lợi.
Tương tự, đồng bào dân tộc M’nông ở bon Ol, xã Đắk Drồ (Krông Nô) cũng đã trở lại với nghề dệt thổ cẩm. Bây giờ mỗi gia đình đều có 1-2 khung cửi dệt thổ cẩm. Một số phụ nữ lớn tuổi có kinh nghiệm về nghề hướng dẫn cho những người chưa biết về cách dệt các loại sản phẩm truyền thống. Ban ngày lên rẫy chăm bón cây trồng, ban đêm về, chị em tranh thủ dệt thổ cẩm.
Hiện nay, chị em trong bon đã làm được các loại sản phẩm thổ cẩm thông thường như áo, váy, tấm đắp, khăn choàng, áo gối, túi xách, vải trải bàn… với những hoa văn đặc sắc, đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình. Một số sản phẩm làm đẹp, đạt chất lượng tốt được huyện chọn đưa đi trưng bày trong hội chợ triển lãm.
Còn tại buôn Sứk, xã Quảng Phú (Krông Nô) từ năm 2011, nghề dệt thổ cẩm đã được đồng bào dân tộc Ê đê phục hồi. Nhờ chăm chỉ làm việc và được các nghệ nhân tận tình hướng dẫn, đến nay chị em đã quen dần với nghề dệt truyền thống, dệt được những loại sản phẩm thông thường từ đơn giản đến các mặt hàng có hoa văn phức tạp, tỉ mỉ.
Có thể nói, nhằm động viên, khuyến khích đồng bào duy trì và gìn giữ nghề truyền thống, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực hết mình để thổ cẩm hồi sinh. Hàng năm, các địa phương đều tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc và đưa nội dung thi dệt thổ cẩm, thi mặc trang phục truyền thống nhằm nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Đặc biệt, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ thông qua Đề án “Bảo tồn lễ hội-hoa văn-cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc tại chỗ”.
Thực hiện Đề án 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa dệt thổ cẩm vào chương trình dạy nghề, đào tạo nghề và tổ chức hàng chục lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại các địa phương trong tỉnh, thu hút nhiều học viên là phụ nữ, thiếu nữ, học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia học tập.
Bài, ảnh: Mỹ Hằng