Hệ giáo dục thường xuyên: Sự lựa chọn… chiến lược
Lượt xem:
Với nhiều phụ huynh, học sinh, hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) là chọn lựa cuối cùng trong hành trình chọn trường. Nhưng với không ít người, đó lại là con đường dẫn đến thành công.
Cây cầu dẫn đến ước mơ
Tháng 6/2006, 15 tuổi, học xong lớp 9 cũng là lúc cô học trò Hoàng Thị Vui, (tỉnh Đăk Nông) ngậm ngùi xếp bút nghiên. Nhà nghèo nên Vui đành khép lại ước mơ được đi học để hàng ngày cùng mẹ lên rẫy dọn cỏ, hái điều thuê. Nhưng suốt một năm lầm lũi theo mẹ lên rẫy, nhiều lần Vui bật khóc: “Cuộc sống chẳng lẽ cứ mãi như vầy sao?”.
Rồi Vui thổ lộ với bố mẹ những suy nghĩ và cả những hoạch định cho tương lai của mình: “Con rất muốn được biết lên lớp 10, 11, 12 và lên cao nữa người ta học cái gì. Con tự lo cho mình ăn học được không?”. Mẹ Vui thở dài. Bố Vui nhìn xa xăm rồi khẽ gật đầu khiến Vui chảy nước mắt.
Em vét số tiền 340.000đ dành dụm trong suốt một năm phụ mẹ làm thuê để bắt xe xuống Đồng Nai… xin làm công nhân may. Có việc làm, em lập tức ghi danh học bổ túc văn hóa và tranh thủ học cùng lúc hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Hoa.
GDTX đang ngày càng là sự lựa chọn của nhiều HS. Trong ảnh là thầy trò tại Trung tâm GDTX Q.10
Năm 2008, hết lớp 11, công việc ở xưởng may quá nhiều nên Vui tạm nghỉ học bổ túc để dành thời gian cho việc học ngoại ngữ. Sau một năm dốc sức, vốn ngoại ngữ đã kha khá, Vui quyết định chuyển về TP.HCM làm nhân viên văn phòng để tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ đại học (ĐH).
Năm 2014, sau sáu năm bươn bả áo cơm và phụ giúp gia đình, Vui trở lại với hệ GDTX. Do nghỉ học đã lâu, kiến thức bị mai một nhiều, nên bạn tự hoạch định sẽ dành hai năm học cho lớp 12.
Năm 2016 vừa qua Vui tốt nghiệp THPT và trở thành sinh viên Trường ĐH Hutech, ngành Quản trị kinh doanh. Ngẫm lại hành trình, Vui bộc bạch: “Em rất thích câu nói của một danh nhân: không có số phận định sẵn, chỉ có những quyết định của con người làm nên số phận. Và môi trường GDTX, với em và nhiều người khác, như là cây cầu dẫn mình đến ước mơ”.
Lựa chọn chiến lược
“Nếu phải chọn lại, tôi vẫn chọn đúng con đường mình đã đi” – Nguyễn Vũ Quân, 24 tuổi, quê Đồng Tháp – khẳng định. Con đường ấy là vừa xong lớp 11 ở quê nhà, Quân quyết định chuyển lên TP.HCM để học chương trình lớp 12 tại Trung tâm GDTX Q.10. Quân cắt nghĩa: “Mục tiêu của tôi là đậu ĐH và học GDTX là sự chọn lựa chiến lược”.
Quân kể, từ năm lớp 10, anh đã xác định mục tiêu là phải thi đậu vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Thế nhưng thử giải các đề thi ĐH, Quân bỗng hoang mang vì thấy rằng trình độ của mình còn lâu mới đáp ứng. Lên lớp 11, anh muốn dành nhiều thời gian ôn luyện để cải thiện tình hình, nhưng thời gian không còn.
Do đó, Quân bắt đầu nghĩ đến việc phải thay đổi môi trường học tập và quyết định chuyển sang hệ GDTX. “Bố mẹ đồng ý, nhưng nhiều người vẫn cứ bàn ra, vì cho rằng dù sao học THPT vẫn danh giá hơn. Nhưng mục tiêu của mình là phải đặt chân vào giảng đường ĐH nên tôi không quan tâm đến những ý kiến bàn ra” – Quân chia sẻ.
Theo Quân, học hệ GDTX chẳng những được giảm 5-6 môn so với phổ thông để có thời gian học kỹ những môn đã học mà thầy cô cũng rất quan tâm đáp ứng những mong muốn của học viên. Sau một năm theo học, Quân tốt nghiệp lớp 12 điểm số cao và giấc mơ đỗ vào ĐH Bách khoa cũng được hiện thực hóa.
Năm 2016, Quân tốt nghiệp ĐH và nhanh chóng “đầu quân” cho một công ty nước ngoài. Không chỉ một mình Quân mà cả sáu bạn cùng bỏ quê lên phố học GDTX năm ấy đến nay đều đã tốt nghiệp ĐH, đi làm. Nối gót anh trai, em gái Quân cũng bỏ trường công lên TP.HCM học GDTX, đậu vào ĐH Kinh tế TP.HCM và vừa mới tốt nghiệp.
Theo Quân, môi trường GDTX không khác với trường lớp phổ thông, học viên rất quý mến, thương yêu nhau. Khác chăng, là thầy cô… vất vả hơn, bởi lớp có quá nhiều thành phần, mà phần lớn đều hoàn cảnh khó khăn, dễ… nản lòng khi theo học.
“Học GDTX có nhiều ưu điểm như học chung một chương trình phổ thông, thi chung đề và lấy bằng quốc gia có giá trị như nhau, học phí thấp, học ít môn (hiện chỉ học các môn toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa, giáo dục công dân), thầy cô cũng như học viên có nhiều thời gian tập trung dạy và học sâu các môn, nên kết quả thường rất tốt. Đây là lý do nhiều HS đã quyết định bỏ phổ thông qua học GDTX trong những năm qua.
Điểm đặc biệt của GDTX là không giới hạn tuổi tác ở người đi học; có nhiều ca học nên tùy vào điều kiện mà người học có thể lựa chọn học sáng, chiều hoặc tối cho phù hợp với mình”.
(ÔngTrương Bá Hải
- Giám đốc Trung tâm GDTX 10)
*“Năm ngoái, con gái tôi quyết định chuyển từ hệ phổ thông sang GDTX để có thời gian ôn luyện và học thêm vi tính, tiếng Anh. Tôi rất âu lo về quyết định này của cháu vì nghĩ rằng khi chuyển sang GDTX sẽ bị mất đi một số môn học ở chương trình phổ thông.
Nhưng con tôi cho rằng những môn học đó không quan trọng và cháu có thể tự học. Tôi thấy con chín chắn trong lựa chọn nên đồng ý. Hai năm theo học hệ GDTX, con vừa tốt nghiệp lớp 12 và có khả năng trở thành sinh viên Trường ĐH Luật”.
(Chị Hồ Thị Mai, Q.8)
* “Hết bậc tiểu học, vào lớp 6, con tôi học kém, tôi cảm thấy cháu luôn bị đuối sức và chịu nhiều áp lực khi phải ganh đua với bạn bè, với thành tích điểm số; tâm trạng của cháu cũng không được tốt sau mỗi buổi đi học về. Thấy đường học hành còn quá dài, nếu cứ phải “ngụp lặn” như thế thì không thể đi đến đích được, nên tôi đã tìm hiểu và chuyển con sang hệ GDTX cho phù hợp hơn.
Đến nay, cháu đã theo học GDTX được bốn năm và chuẩn bị lên lớp 11. Được giảm tải môn học, thầy cô tận tình kèm cặp nên con tôi học rất tốt và ngày càng yêu thích môi trường GDTX. Là một phụ huynh, tôi nghĩ rằng hệ đào tạo nào không quan trọng, mà quan trọng là môi trường ấy có phù hợp và giúp con mình phát huy năng lực”.
(Anh Nguyễn Xuân Đạt Q.Tân Bình)
Tuyết Dân