Học Bác để làm tốt sự nghiệp “trồng người”
Lượt xem:
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những hoạt động đã trở thành thường xuyên của cán bộ, giáo viên và học sinh trong ngành Giáo dục. Từ các hoạt động thiết thực đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng đạo đức lối sống cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
Cô Biện Thị Hóa, giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Gia Nghĩa) luôn tâm huyết với nghề, thương yêu học sinh |
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, các chi bộ, tổ chức đoàn thể trong ngành đã gắn việc học Bác với xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện nhiệm vụ chính trị và trở thành hoạt động thường xuyên, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Điển hình, thông qua học Bác, các chi bộ, đoàn thể trong các nhà trường, cơ quan quản lý đã thực hiện nghiêm túc quy định, quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công việc, nói đi đôi với làm. Hầu hết các đơn vị đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, tác phong làm việc, chống bệnh thành tích, hình thức và cụ thể hóa vào các hoạt động.
Điển hình, để chống lãng phí, các đơn vị, trường học tích cực sử dụng công nghệ thông tin để gửi báo cáo, tài liệu hội họp. Cán bộ quản lý tích cực đổi mới quản lý, chú trọng động viên, khích lệ giáo viên hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Giáo viên thì chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, hướng đến mục tiêu phát huy tính tích cực chủ động của học sinh. Để đạt hiệu quả giảng dạy cao, hiện nay hầu hết giáo viên đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phương pháp tích hợp, liên môn, tổ chức hội giảng, thao giảng chất lượng.
Ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với việc nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo viên còn tích cực làm công tác dân vận, vận động học sinh đến trường đúng độ tuổi, hạn chế bỏ học giữa chừng. Nhiều giáo viên có những phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện thực tế đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách hiệu quả.
Có những giáo viên không ngại cả việc học tập ở học sinh của mình, điển hình như cô Biện Thị Hóa ở Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Gia Nghĩa). Với việc gần gũi, tìm hiểu tâm lý học sinh và không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, cô Hóa trở thành giáo viên dạy giỏi nhiều năm, là một tấm gương sáng về chuẩn mực để học sinh noi theo.
Cùng với công tác giảng dạy, nhiều giáo viên còn có những hoạt động ý nghĩa hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Điển hình như cô Huỳnh Thị Thùy Dung, Trường tiểu học Võ Thị Sáu ở xã Đắk Nang (Krông Nô) hàng ngày vẫn đi tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ học sinh từ những cái nhỏ nhất như quần áo, mũ, dép đến các bữa ăn. Từ sự nhiệt huyết của cô Dung, nhiều học sinh đã có thêm điều kiện đến trường.
Đặc biệt, hiện nay, hầu hết các trường học đều có hoạt động hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường như: “Nuôi heo đất”, “Áo trắng tặng bạn”, “Thắp sáng ước mơ”…Qua các hoạt động không chỉ kịp thời hỗ trợ học sinh tiếp tục đến trường mà còn góp phần giáo dục học sinh tinh thần “tương thân tương ái”.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, cán bộ, giáo viên ngày càng nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với đặc thù là những người có trách nhiệm “trồng người”, giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, nhân cách cho các thế hệ học sinh, thì hơn ai hết, đội ngũ nhà giáo phải đi tiên phong trong việc học Bác, thật sự là những tấm gương sáng để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong học sinh. Vì vậy, việc học Bác phải trở thành thói quen, là việc làm thường xuyên, kể cả trong những việc nhỏ nhất là mục tiêu mà ngành luôn hướng tới để xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên “vừa hồng vừa chuyên”, đáp ứng nhu cầu đổi mới ngày càng cao của giáo dục.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiền