Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học

Lượt xem:

Đọc bài viết

Vừa qua, tại Thái Nguyên và Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học. Hội thảo có sự tham dự của đại diện 27 Sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện gần 100 đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm; đại diện giáo viên, cán bộ quản lý một số trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên khu vực đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc.

Đồng thuận tăng lương giáo viên, miễn học phí THCS, nâng chuẩn giáo viên tiểu học

Tại 2 cuộc hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, đại diện các Sở GD&ĐT, cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của các địa phương đều bày tỏ đồng thuận cao với những nội dung trong dự thảo, đặc biệt là 3 nội dung về chính sách với nhà giáo, chuẩn trình độ giáo viên tiểu học và miễn học phí cho học sinh THCS công lập.


Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục tổ chức tại Hà Nội

Việc đề nghị xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp nhận được sự ủng hộ rất lớn từ đội ngũ giáo viên, bởi điều này góp phần giúp nâng cao đời sống nhà giáo, từ đó các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến cho ngành, đồng thời thu hút được nhiều người giỏi vào sư phạm.

Việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên trình độ cao đẳng, ý kiến từ các địa phương khẳng định, đây là sửa đổi cần thiết và khả thi, vì hiện nay hầu hết giáo viên tiểu học đã đạt trên chuẩn. Nếu được chính thức đưa vào Luật, điều này sẽ thúc đẩy chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.

Vấn đề chính sách phổ cập liên quan đến học phí, trong đó đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí dến học sinh THCS trường công lập tại dự thảo Luật cũng nhận được sự đồng tình, nhất trí cao. Các ý kiến cho rằng, việc này thể hiện rõ sự nhân văn trong chính sách giáo dục đào tạo.


Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo

Một số nội dung có tính đột phá trong dự thảo Luật cũng được các địa phương đưa ra như sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 100, quy định UBND các cấp chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của địa phương; sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.

Tại các hội thảo, một số đề xuất cũng được gửi tới Ban soạn thảo như đề nghị xem xét miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, nên có hệ GDTX cấp huyện, chính sách cần quan tâm tới đối tượng là cán bộ quản lý giáo dục.


Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội thảo

Chủ trì các cuộc hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Thứ trưởng hy vọng những vấn đề được đề cập trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sẽ mang lại niềm vui cho những người làm giáo dục, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Nhiều điểm mới đột phá để đổi mới giáo dục đại học

Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu tham dự 2 cuộc hội thảo góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Các đại biểu cũng thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi Luật và đánh giá cao tinh thần đổi mới, giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường.


Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học tổ chức tại Thái Nguyên

Các ý kiến góp ý trong hội thảo tập trung vào các vấn đề liên quan đến hội đồng trường, quy định giảng viên cơ hữu, nghiên cứu khoa học, mở ngành, đào tạo tiến sĩ; phân tầng, xếp hạng đại học; chính sách đầu tư; xã hội hóa giáo dục; văn bằng; thời gian đào tạo.

Một số ý kiến bày tỏ sự băn khoăn liên quan đến tổ chức, hoạt động của hội đồng trường, quan hệ hội đồng trường với ban giám hiệu; cơ cấu tổ chức bên trong của đại học, trường đại học; quản lý đào tạo; sử dụng tài sản, tài chính của nhà trường. Vấn đề còn nhiều ý khác nhau về cơ cấu tổ chức trường đại học và công nhận hiệu trưởng các phó hiệu trưởng trường đại học.

Chủ trì  các cuộc hội thảo góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học là một yêu cầu cấp thiết để kịp thời thể chế hóa những vấn đề của hệ thống giáo dục đại học, tạo động lực, bước phát triển mới cho các cơ sở giáo dục đại học.


Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo

Tinh thần chung của lần sửa đổi, bổ sung này là tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, cân nhắc, xem xét kỹ để xây dựng Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung khả thi, đi vào cuộc sống, hiệu quả; tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế… Ban soạn thảo tiếp tục đón nhận, lắng nghe các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội.

Sau Thái Nguyên và Hà Nội, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học tại Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Trung tâm Truyền thông giáo dục