Hội xuân Liêng Nung sẵn sàng khai hội
Lượt xem:
Trong các ngày 11-12/2/2017 (nhằm ngày 15-16/1 âm lịch) tại Làng nghề, công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), UBND tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức Hội xuân Liêng Nung-năm 2017. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị Hội xuân đã cơ bản hoàn tất và sẵn sàng cho ngày khai hội.
Niềm vui vào hội. Ảnh: Hồ Mai |
Tinh hoa hội tụ
Hội xuân Liêng Nung sẽ quy tụ hơn 500 nghệ nhân, vận động viên đến từ các địa phương trên địa bàn tỉnh tham dự. Tâm điểm của chương trình là đêm khai mạc, với những tiết mục nghệ thuật đặc sắc được đầu tư công phu, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa. Với chủ đề “Tinh hoa hội tụ”, Hội xuân sẽ tái hiện lại Lễ hội Iun Jông của đồng bào Mạ ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) và Lễ cúng sức khỏe của đồng bào Mạ ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa).
Mở màn cho ngày khai mạc là Lễ hội đường phố, với sự góp mặt của các già làng, nghệ nhân, khách mời, các đoàn tham gia đêm hội. Lễ đón bạn được diễn ra theo đúng phong tục của người Mạ gồm hát đối đáp hỏi thăm khách, mời trầu, rượu, nước… Sau đó, Lễ Iun Jông (Lễ gắn kết tình thân) của cộng đồng dân tộc Mạ sẽ được tái hiện. Kết thúc chương trình khai mạc là màn đốt lửa truyền thống và trình diễn trang phục truyền thống.
Cùng với đó là các hoạt động văn hóa dân gian như thi dệt thổ cẩm, đan gùi, giã gạo nấu cơm nhanh, diễn tấu cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, thi trình diễn trang phục truyền thống, thi ẩm thực, thi vật, thi đẩy gậy, cờ tướng, kéo co, nhảy bao bố, thi ảnh “nét đẹp trong Hội xuân Liêng Nung năm 2017”… Đây đều là những môn thi mang đậm ý nghĩa, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Những môn thể thao truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ đã được nâng tầm trở thành những môn thể thao hiện đại. Không những thế, các môn thi đấu hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và thu hút khán giả bởi sự mới lạ cũng như tinh thần, khả năng của các vận động viên.
Ngoài sự có mặt của các dân tộc bản địa như M’nông, Mạ, Ê đê, thì các dân tộc phía Bắc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh cũng tham gia, góp phần cho Hội xuân thêm lung linh, giàu bản sắc. Hội xuân diễn ra là dịp để các dân tộc trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, giao lưu, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, cùng đoàn kết, phấn đấu, tiếp tục giữ gìn và phát huy những di sản quý báu của cha ông để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đặc biệt, Hội xuân còn trưng bày 10 gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tiềm năng du lịch của tỉnh. Các địa phương sẽ tham gia trưng bày các sản vật nổi tiếng như gạo Buôn Choáh (Krông Nô), khoai lang Nhật Bản (Tuy Đức), tiêu Đắk Song, hạt điều Đắk R’lấp, cà phê Đắk Mil… Riêng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tham gia trưng bày, giới thiệu các mặt hàng, sản phẩm đặc trưng do mình sản xuất.
Khẩn trương chuẩn bị
Thời gian qua, để Hội xuân diễn ra thành công, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân, du khách gần xa, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành liên quan, thống nhất chương trình và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Cùng với việc bố trí kinh phí phù hợp, tiết kiệm, tỉnh cũng kêu gọi xã hội hóa cho việc tổ chức lễ hội.
Năm nay, tất cả các hoạt động của ngày hội diễn ra tại Làng nghề, công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Hiện tại, tất cả các công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thiện, sẵn sàng đưa vào phục vụ lễ hội đúng thời gian. Tại các trục đường chính vào trung tâm lễ hội, băng rôn, cờ phướn được treo một cách trang trọng. Sân bãi, khu vực cắm trại, hệ thống điện lưới, vệ sinh công cộng, công tác bảo đảm an ninh trật tự được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, an toàn.
Theo bà Đặng Thị Hồng Liên, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Gia Nghĩa thì theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, về phía UBND thị xã Gia Nghĩa đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất trong điều kiện tốt nhất để tổ chức lễ hội. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Phòng đã tham mưu UBND thị xã thành lập ban tổ chức, ban giám khảo, tổ trọng tài, thư ký và ban hành thể lệ các phần thi văn hóa dân gian và trò chơi dân gian…
Ở các huyện thì công tác giám sát, nhắc nhở, động viên các đoàn tham dự tập luyện, chuẩn bị đầy đủ các nội cũng được gấp rút hoàn thành. Ngoài ra, các nghệ nhân, già làng, trưởng buôn, bon cũng được huy động để hướng dẫn các đoàn tập luyện, bảo đảm bản sắc riêng của từng dân tộc.
Rộn ràng vào Hội xuân Liêng Nung năm 2016. Ảnh: Đức Hùng |
Háo hức chờ ngày khai hội
Trong khuôn khổ các nội dung xung quanh Hội xuân, các địa phương sẽ cử nghệ nhân, vận động viên đăng ký tham gia thi tài. Mỗi đơn vị ít nhất khoảng 30 nghệ nhân, vận động viên tham gia. Tại các gia đình, không khí hồ hởi, chuẩn bị tranh tài tại Hội xuân được các nghệ nhân tích cực chuẩn bị chu đáo. Ai cũng mong muốn sớm đến ngày khai hội để được thi tài, được giao lưu, thể hiện tài năng của mình đối với các đội bạn.
Nghệ nhân H’Bạch ở bon N’Jiêng, xã Đắk Nia phấn khởi: “Cũng như mọi năm, tôi và con gái H’Bình đăng ký tham gia thi dệt thổ cẩm. Sau khi có thông báo của địa phương, gia đình tôi đã đi mua đầy đủ các nguyên vật liệu cần thiết để chuẩn bị cho phần thi dệt thổ cẩm đạt được kết quả cao. Cùng với việc được thể hiện tài năng, giới thiệu thổ cẩm, nét hoa văn đặc trưng của đồng bào Mạ thì đây còn là cơ hội để tôi giao lưu, tìm hiểu văn hóa đặc trưng của các dân tộc anh em khác. Đặc biệt, qua ngày hội, gia đình tôi mong muốn tìm thêm thị trường cho sản phẩm thổ cẩm của dân tộc mình”.
Chị Lò Thị Hoa (dân tộc Thái) ở thôn Trung Sơn, xã Ea Pô (Chư Jút) hồ hởi: “Tôi cũng như bà con người Thái rất vui khi được tham gia Hội xuân lần này. Được địa phương khuyến khích, động viên tham gia, tôi sẽ cố gắng mang đến Hội xuân những tấm thổ cẩm đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái. Tranh tài, đạt giải cao thì ai cũng muốn, nhưng điều chúng tôi mong muốn hơn cả là được học hỏi thêm nhiều điều hay của các dân tộc anh em khác và nhất là giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình tại Hội xuân”.
Bài, ảnh: Mỹ Hằng