Hướng tới Hội xuân Liêng Nung năm 2017: Nét đẹp Lễ Iun Jông của đồng bào Mạ
Lượt xem:
Lễ Iun Jông (hay còn gọi là lễ gắn kết tình thân) của cộng đồng dân tộc Mạ xuất phát từ tình cảm gia đình.
Chuyện kể rằng, xưa có 2 anh em mồ côi, đến tuổi dựng vợ gả chồng đều có gia đình riêng, nhưng họ luôn nhớ về nhau, mỗi năm đến thăm nhau một lần, khi đi thường mang theo lễ vật không thể thiếu, đó là những con cá mà thuở nhỏ họ thường đánh bắt tại “Ao mồ côi” để sống qua ngày. Từ tình cảm gia đình được nhân lên thành tình cảm của dòng họ, cộng đồng dân tộc Mạ. Thời gian trôi qua, phong tục đẹp đó vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ và được duy trì đến ngày nay.
Nghi lễ sum họp cộng đồng tại Hội Xuân Liêng Nung 2016. Ảnh: Đức Hùng |
Theo đồng bào Mạ, Lễ Iun Jông có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng dân tộc nên mỗi khi có điều kiện, đồng bào lại tổ chức một cách long trọng và tiến hành theo đúng nghi lễ truyền thống. Do đó, tất cả mọi người khi tham gia lễ đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Lễ này gồm có các phần: lễ xả xui, bắt cá; lễ cúng cá; lễ đón cá; lễ kết tình thân; ăn cơm cộng cảm và lễ té nước.
Trước khi bắt cá tại suối, già làng phải cúng thần linh để xin phép và ngắt một cành cây đập vào cái gàu – một dụng cụ bắt cá với ý nghĩa xua đuổi những con vật xấu dưới nước để bắt được nhiều cá và lựa chọn ra những con cá tươi ngon nhất làm lễ vật treo trên ché rượu để cúng thần linh. Lễ vật để cúng cá gồm một con gà và một ché rượu cần.
Sau đó, già làng khấn xin phép thần linh về việc tổ chức Lễ Iun Jông với người khác. Sau khi cúng thần linh, già làng xin phép chủ nhà cho vào nhà và đoàn mang lễ vật hát đối đáp cho đến lúc nào chủ nhà cảm thấy ưng cái bụng thì mới mở cửa cho tiến hành Lễ Iun Jông. Lễ vật mang theo là toàn bộ số cá đánh bắt được, 1 bát gạo, 1 bát ngô rang nghiền nát, cùng với các sản vật như khoai, bầu bí, hạt giống, ổi…
Về phía chủ nhà thì chuẩn bị một con gà trống, một ché rượu cần và bôi máu gà vào các lễ vật được mang sang cũng như chuẩn bị một số thức ăn để đãi khách. Tại đây, hai bên khách-chủ sẽ kể lại chuyện ngày xưa và lấy máu con gà làm vật hiến sinh để cúng thần linh, cầu mong giúp mọi người gắn kết như anh em một nhà; đồng thời hứa với nhau sẽ sống hòa thuận, không hiềm khích, bỏ qua các mâu thuẫn, cùng nhau hướng đến xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn.
Để đáp lại ân tình của khách, chủ nhà sẽ cử 4 thanh niên cầm 4 góc chăn, trùm chăn cho khách ăn và đánh chiêng cổ vũ. Đồng thời, các thiếu nữ của chủ nhà sẽ cầm trái bầu đựng nước thơm và dùng nhánh cây nhúng vào nước để vẩy vào khách mời, cầu mong may mắn sẽ đến với tất cả mọi người. Đây là nét đặc trưng của buổi tiệc ăn cơm cộng cảm của người Mạ.
Nói về điều này, già K’Ngun ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết: “Đối với đồng bào Mạ thì việc gắn kết tình thân sẽ nhắc nhở con cháu biết nguồn gốc, anh em cộng đồng, ôn lại truyền thống của ông bà và răn dạy con cháu biết sống đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng vượt qua những khó khăn của cuộc sống và cầu mong thần linh ban nhiều may mắn cho bon làng. Do đó, khi có điều kiện, chúng tôi lại cùng nhau tổ chức lễ để nhắc nhở con cháu sống hòa thuận, đoàn kết hơn”.
Có thể thấy, Lễ Iun Jông có ý nghĩa quan trọng trong việc cố kết cộng đồng dân tộc Mạ. Do đó, tại Hội Xuân Liêng Nung-năm 2017 do UBND tỉnh tổ chức ở Làng nghề, công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) vào các ngày 11-12/2/2017; trong đó, Lễ Iun Jông sẽ được tái hiện thể hiện nguyện vọng, tâm linh của đồng bào nhằm động viên, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Mỹ Hằng