Khó khăn không cản bước em đến trường

Lượt xem:

Đọc bài viết

Vì nhà xa nên hôm nào học 2 buổi/ngày, học sinh Trường tiểu học La Văn Cầu ở xã Đắk R’măng (Đắk Glong) đều ở lại buổi trưa và ăn trưa tại trường. Thế nhưng, bữa cơm trưa của những học sinh ở đây lại hoàn toàn khác xa những bữa cơm bán trú của học sinh vùng trung tâm.

Nhà xa trường nên hầu hết các em phải mang theo cơm để ăn trưa

Đã 4 năm nay, hành trang đến trường của em Giàng A Sà, lớp 4B ngoài cặp sách vở còn mang thêm đồ ăn trưa. Nói là đồ ăn trưa cho oai chứ chỉ vẻn vẹn có một nắm cơm trắng đựng trong bao nilong.

Tay vừa cầm cơm cắn ăn, Sà vừa cho biết: “Vì nhà xa nên em đi học từ 5 giờ 30 phút. Hôm nào mẹ dậy kịp thì nấu cơm nóng cho em mang đi, hôm nào không kịp thì em gói cơm nguội từ tối hôm qua mang đi để ăn buổi trưa”. Dứt lời, Giàng A Sà quay qua những bạn khác vừa ăn vừa cười đùa một cách hồn nhiên.

Hầu hết các bạn của Giàng A Sà cũng có bữa trưa giống em. Bạn nào sang hơn thì có thêm miếng cá khô, rau rừng xào hay bịch canh. Phần cơm của các em được đựng trong bịch nilong, gói bằng lá, bạn nào chỉn chu hơn thì đựng trong hộp nhựa…

Trên hiên lớp, một em gái đang trải phần cơm của mình ra ăn. Nhìn bữa trưa của em chỉ có cơm và vài miếng măng xào, lạ là cơm lại lốm đốm màu hồng. Hỏi ra mới biết do em đựng cơm nóng trong bịch nilong màu hồng nên dính màu qua cơm.

Về chỗ ngồi ăn thì tiện đâu các em ngồi đó như ghế đá, trước hiên phòng học hoặc ngồi thành từng nhóm ở sân trường. Một số bạn nam thì vừa cầm nắm cơm ăn vừa chơi bắn bi. Dù bữa ăn đơn sơ nhưng nhìn khuôn mặt các em đều rất hồn nhiên, vui vẻ.

Bữa trưa đơn giản chỉ có cơm trắng, nhưng hầu hết các em đều vui vẻ, hồn nhiên

Trong đám đông học sinh vừa ăn vừa cười đùa, có một học sinh nam đang ngồi một mình ở ghế đá, mặt buồn rười rượi. Tay em cầm một cục đường phèn màu vàng vừa cắn từng miếng nhỏ để ăn.

Thấy lạ, tôi hỏi chuyện thì em cho biết: “Sáng nay nhà hết gạo nên không nấu cơm mang đi, trưa nay chỉ ăn tạm cục đường phèn này thôi. Nhà ở xa nên bữa trưa nào không ăn là chiều trên đường về mệt lắm nhưng em cũng ráng về nhà ăn buổi tối luôn”. Nói xong, tay em chậm rãi đưa từng miếng đường phèn cắn ăn làm tôi cảm thấy cay cay ở khóe mắt.

Theo thầy giáo Ly Seo Chá, Hiệu phó Trường tiểu học La Văn Cầu thì năm học 2016-2017 toàn trường có 667 học sinh, phần lớn là dân tộc thiểu số. Hiện tại, trường tổ chức cho học sinh học 7 buổi/tuần nên mỗi lớp có 2 ngày học buổi chiều. Hầu hết học sinh đều ở xa, em xa nhất cũng gần cả 10 cây số. Vì vậy, hôm nào học cả ngày thì các em đều mang bữa trưa để ở lại. Mỗi ngày như vậy thường có khoảng hơn 100 em ở lại buổi trưa.

Điều đáng mừng là dù nhà xa, điều kiện khó khăn, nhưng những ngày học 2 buổi các em đi học rất đầy đủ, ít khi vắng học. Vừa qua, nhà trường đã làm được bê tông sân trường và được tặng thêm một số ghế đá nên các em ở lại cũng có chỗ ngồi ăn và chơi sạch sẽ hơn. Năm học trước các nhà tài trợ có tặng cho một số cặp lồng nên nhiều học sinh có hộp đựng cơm thay bịch nilong.

 

Cũng theo thầy Chá thì nhiều hôm thấy các em ăn bữa trưa tạm bợ cũng xót lắm, nhưng chưa có cách nào để khắc phục được. Nhà trường cũng rất muốn thực hiện bán trú nhưng vì chưa có hệ thống điện, nước nên không thể làm được. Mong muốn lớn nhất của trường hiện nay là nhanh chóng có điện, nước để phục vụ tốt các hoạt động giáo dục, nhất là tổ chức được bán trú cho học sinn để bảo đảm dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hành trình đến trường của học sinh vùng sâu thật gian nan với những bữa cơm đạm bạc, nhưng vẫn không cản được bước các em đến trường. Hình ảnh những nụ cười hồn nhiên với nắm cơm trắng trên tay và khát khao tìm “con chữ” của các em học sinh ở vùng xa thật hết sức thân thương, cảm động.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền