Krông Nô: Từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Lượt xem:

Đọc bài viết

Huyện Krông Nô được thiên nhiên ưu ái về một vẻ đẹp hùng vĩ riêng về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái để phát triển du lịch. Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huyện đang nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế qua thu hút các nhà đầu tư và du khách.

Krông Nô nằm ở phía Đông bắc của tỉnh Đắk Nông, có nhiều danh thắng nổi tiếng được xếp hạng di tích cấp quốc gia với tuyến quốc lộ 28 và tuyến tỉnh lộ 3 chạy qua, tạo thuận lợi trong kết nối tuor, tuyến du lịch.

Thác Đ’ray Sáp – điểm đến du lịch hấp dẫn của huyện Krông Nô

Tiềm năng to lớn

Nói đến du lịch Krông Nô không thể không nói đến thác Đ’ray Sáp, một trong ba ngọn thác nằm trên thượng nguồn sống Sêrêpốk, cùng với thác Gia Long và thác Trinh Nữ tạo nên chuỗi thác nối tiếp liền kề hùng vĩ giữa núi rừng Tây Nguyên. Thác Đ’ray Sáp thuộc xã Đắk Sôr (Krông Nô) với độ cao hơn 50 m, dòng chảy cao điểm mùa mưa trải dài 100 m.

Năm 1993, Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là thắng cảnh cấp Quốc gia. Hiện danh thắng này đã được tỉnh quy hoạch và giao cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Liên Thành đầu tư xây dựng, hàng năm thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch.

Bên cạnh thác Đ’ray Sáp là một hệ thống hang động núi lửa được phát hiện và công bố năm 2014. Theo kết quả nghiên cứu khoa học thì hệ thống hang động Chư B’Lúk được hình thành bởi quá trình hoạt động phun trào của núi lửa và sự xâm thực của nước mưa qua nhiều triệu năm. Hệ thống hang núi lửa tại Chư B’Lúk, xã Buôn Choáh, có miệng núi lửa nằm tại Chư B’Lúk, là điểm xuất phát hang động dẫn đến các vùng lân cận như Đắk Sôr, Nam Đà, Buôn Choáh (Krông Nô).

Hệ thống hang động núi lửa Chư B’Lúk có gần 100 hang lớn nhỏ với những nét đặc trưng và độc đáo riêng. Phần lớn các hang có hình ống với nhiều ngã rẽ thông nhau tạo thành những vòng tròn. Trong hang động, cấu trúc đặc trưng về hình dạng bề mặt đá bazan đã phản ánh quá trình hoạt động núi lửa phun trào.

Theo các nhà khoa học Nhật Bản, loại hang núi lửa khu vực này thuộc dạng hiếm trên thế giới, với những vệt hoa văn tự nhiên rất đẹp trên các thành hang… Hiếm hơn nữa là quần thể hang này lại nối liền với quần thể thác lớn trên sông Sêrêpốk, rất thuận lợi để phát triển du lịch. Hiện nay, tỉnh ta đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận nơi đây là Công viên địa chất Toàn cầu.

Hang động núi lửa sẽ trở thành sản phẩm du lịch mạo hiểm trong tương lai

Bên cạnh đó, Krông Nô còn có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, thú vị khác như: Điểm Du lịch sinh thái hồ Easnô (xã Đắk D’rô) với 80 ha mặt nước trong xanh và hữu tình; điểm du lịch thác Len Gun (xã Đức Xuyên) nằm trong khu du lịch sinh thái văn hóa, lịch sử Nâm Nung; Khu du lịch sinh thái hồ thủy điện Buôn Tua Srah (xã Quảng Phú) có diện tích mặt hồ 130 ha. Đặc biệt trên địa bàn huyện Krông Nô còn có các điểm di tích phục vụ du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng như: Khu di tích lịch sử B4 – Liên tỉnh IV (xã Nâm Nung); Khu di tích lịch sử lưu niệm N’Trang Gưh (xã Buôn Choáh).

Ngoài ra, Krông Nô còn có nhiều thôn, buôn, bon có thể phát triển nghề truyền thống, tạo ra những sản phẩm du lịch có giá trị phục vụ du khách. Một số bon làng còn lưu giữ, phục dựng nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, nhiều trò chơi dân gian, ẩm thực phong phú. Đây là cơ sở để xây dựng các điểm lưu trú, tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống thú vị và hấp dẫn du khách.

Với những lợi thế của mình, Krông Nô đang thu hút ngày càng đông du khách đến với vùng đất này. Lượng khách đến Krông Nô hàng năm bình quân khoảng 123.000 lượt khách, trong đó có khoảng 2.900 khách quốc tế, doanh thu ước đạt 24,6 tỷ đồng.

Ngoài các sản phẩm du lịch, huyện đang tập trung phát triển sản xuất, tạo các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của địa phương, quản lý thương hiệu và tiêu thụ như gạo Buôn Choáh; xây dựng thương hiệu quýt Nâm N’đir và Đức Xuyên, nấm Linh Chi Nam Đà và Nam Xuân. Ngành văn hóa huyện đang tiến hành điều tra khảo sát, đánh giá xây dựng từ 1- 2 thôn, bon thành điểm mô hình du lịch cộng đồng, xây dựng khôi phục làng nghề truyền thống, góp phần phát triển đa ngành nghề, đa sản phẩm trên địa bàn.

Hướng đến kết nối, xây dựng sản phẩm đặc trưng

Hiện nay trên địa bàn huyện Krông Nô đang có 1 dự án du lịch là thác Đ’ray Sáp – Gia Long mở cửa đón khách; 3 dự án du lịch được tỉnh đưa vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2016 –  2020 gồm: Điểm du lịch sinh thái hồ Easnô, điểm du lịch thác Len Gun, Khu du lịch sinh thái hồ thủy điện Buôn Tua Srah.

Để khai thác tiềm năng du lịch, phục vụ cho phát triển, xóa đói giảm nghèo, huyện Krông Nô đang xây dựng kế hoạch dài hạn để biến lợi thế thành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo ra các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, cảnh quan, văn hóa, lịch sử và du lịch mạo hiểm.  Cụ thể như du lịch cảnh quan: Tham quan thắng cảnh tự nhiên như Khu du lịch Đ’ray Sáp – Gia Long – Hồ Ea Snô; Rừng đặc dụng cảnh quan Đ’ray Sáp; Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung; Hồ thủy điện Buôn Tua Srah (Quảng Phú) và du lịch mạo hiểm, khám phá hệ thống hang động núi lửa Chư B’Lúk (từ Buôn Choáh đến xã Đắk Sôr)…

Trên cơ sở các tour, tuyến đã có của tỉnh, trên địa bàn huyện hình thành các tour kết nối các điểm du lịch với nhau, như: Từ thị xã Gia Nghĩa – Tà Đùng – Thủy điện Buôn Tua Srah – Khu di tích lịch sử B4 – Liên tỉnh IV Nâm Nung – Hang động núi lửa khu vực Buôn Choáh (Krông Nô). Từ Krông Nô – Buôn Ma Thuột – Bản Đôn – Đắk Mil – Thiền viện Trúc Lâm – Gia Nghĩa.

Với những định hướng đó, huyện Krông Nô đang tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu đến năm 2020 sẽ thu hút được khoảng 180.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 10% doanh thu toàn ngành du lịch đạt khoảng trên 36 tỷ đồng/năm, chiếm 1,4% tỷ trọng nền kinh tế huyện.

Bài, ảnh: Đức Hùng