Quốc hội đang Hội thảo về Giáo dục phổ thông
Lượt xem:
(GDVN) – Đảng ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, nên thời gian qua, các cấp, các ngành, các nhà khoa học… tìm giải pháp để nâng cao chất lượng.
Sáng nay, 22/9, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội thảo giáo dục 2017 và chất lượng giáo dục phổ thông.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Giáo dục và đào tạo luôn giữ vị trí quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc.
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, giáo dục và đào tạo được xem là giải pháp hàng đầu trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Với quan điểm và chủ trương của Đảng ta luôn coi “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, nên thời gian qua, các cấp, các ngành, các nhà khoa học và toàn xã hội luôn trăn trở, tìm giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, coi đây là một trong những tiền đề quan trọng để xây dựng và thúc đẩy xã hội phát triển bền vững”.
Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc (ảnh Trinh Phúc). |
Bà Tòng Thị Phóng cũng cho biết: “Xuất phát từ tầm quan trọng và sự quan tâm của toàn xã hội đối với chất lượng giáo dục phổ thông, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông…Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã đề xuất Uỷ ban thường vụ Quốc hội được tổ chức Hội thảo giáo dục, với chủ đề:
“Về chất lượng giáo dục phổ thông” nhằm tạo cơ hội để lắng nghe các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục chia sẻ những quan điểm, ý tưởng và giải pháp phát triển giáo dục phổ thông, tạo cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ việc nghiên cứu và xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.
Trong phạm vi Hội thảo hôm nay, để đạt hiệu quả thiết thực, tôi đề nghị các vị đại biểu và khách mời tập trung thảo luận, đề xuất những giải pháp cụ thể về ba nội dung trọng tâm tạo nên chất lượng giáo dục phổ thông mà chương trình Hội thảo đã đề ra, đó là về chương trình giáo dục, vềđội ngũ giáo viên và công tác quản lý giáo dục phổ thông.
Chú ý: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; các điều kiện đảm bảo như cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai chương trình giáo dục phổ thông vào thực tiễn;
Việc quy hoạch mạng lưới trường sư phạm (nơi đào tạo giáo viên phổ thông); yêu cầu về môi trường làm việc, sự phát triển và việc giải quyết chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;
Việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhà giáo đáp ứng về chuyên môn nghiệp vụ…cùng nhiều vấn đề liên quan khác như: mô hình trường phổ thông; vấn đề quản lý nhà trường (vấn đề tự chủ trong trường phổ thông);
Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông; vấn đề xã hội hoá trong giáo dục phổ thông (phát triển các trường tư thục đảm bảo chất lượng và vấn đề tài chính)…
Đây chính là các vấn đề đang đặt ra đòi hỏi các nhà khoa học, các nhà quản lý và các cơ quan hoạch định chính sách quốc gia tiếp tục cùng nghiên cứu và tìm giải pháp tháo gỡ cho ngành giáo dục nước nhà”.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh Trinh Phúc). |
Cũng tại Hội thảo này, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn Hóa, Thanh Niên, Thiếu Niên, Nhi đồng của Quốc hội phát biểu cho rằng: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã yêu cầu và định hướng các nội dung:
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn phát triển công nghiệp và hội nhập quốc tế của đất nước.
Chính phủ đã có các kế hoạch cụ thể để triển khai Nghị quyết này. Đến nay, giáo dục và đào tạo của Việt Nam đã có những kết quả nhất định, tuy nhiên phải nhận thấy rằng nhận thức về thực trạng và các chính sách cụ thể trong giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục phổ thông, vẫn còn phân tán và nhiều ý kiến rất khác nhau”.
Ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh: “Ủy ban mong muốn từ vị thế và góc nhìn của mỗi đại biểu, với một tâm huyết chung vì một nền giáo dục và đào tạo khỏe mạnh, tạo nền tảng cho phát triển đất nước, chúng ta sẽ trao đổi và tạo nên đồng thuận trong nhận thức, có những ý kiến quý cho quản lý chung.
Từ đó sẽ có những nhìn nhận và lan tỏa trong xã hội về sự phấn đấu, cố gắng của một đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý tâm huyết với giáo dục.
Và trong ý tưởng đó, chất lượng giáo dục phổ thông đã được chọn lựa như một vấn đề đầu tiên tạo nền tảng cho phát triển giáo dục nước nhà.
Chất lượng giáo dục phổ thông là một chủ đề lớn luôn được xã hội quan tâm và đặt ra nhiều vấn đề cần trao đổi. Trong giới hạn của thời gian, Hội thảo được triển khai thành 2 mảng lớn:
Phần báo cáo chung được trình bày qua ba nội dung chính: về khuynh hướng giáo dục trên thế giới và những vấn đề của Việt Nam, quản lý giáo dục phổ thông tại Việt Nam và những vấn đề cần quan tâm từ thực tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
Phần mở đầu này được trình bày bởi chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuyên gia về giáo dục, nhằm cung cấp những thông tin tổng thể về giáo dục phổ thông từ tầm nhìn đến thực tế như bản giao hưởng dạo đầu, tạo hứng khởi cho đại biểu bước vào phần thứ hai.
Phần thứ hai là ba phiên trao đổi và thảo luận tập trung vào nội dung chính:
Chương trình giáo dục phổ thông luôn là tiền đề cho quá trình đổi mới. Chúng ta đang đứng trước những yêu cầu rất bức bách của quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong một thế giới đang thay đổi và phát triển nhanh chóng.
Và chúng ta vẫn đang chuẩn bị những con người Việt Nam trí thức cho một đất nước Việt Nam phát triển văn minh, hội nhập. Một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Những vấn đề đặt ra từ mục tiêu đến những khái niệm nghĩ và nói thì dễ nhưng triển khai vẫn là những thử thách: đạo đức/năng lực, tích hợp/tổ hợp, địa phương/tổng thể, nhu cầu/điều kiện…
Đội ngũ giáo viên phổ thông là nội dung thảo luận thứ hai nhưng lại là yếu tố có tính chất quyết định đến chất lượng giáo dục phổ thông.
Các thầy, cô là những người đưa con chữ đến với trẻ em, là những người dẫn những bước đi ban đầu chập chững và góp phần hình thành nhân cách, đạo đức, nhận thức xã hội cho các em.
Cái tâm của người thầy, sự sáng tạo, bản lĩnh chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp của người thầy là những gì đâu chỉ đến từ sự phấn đấu từ bản thân các thầy cô, mà còn là sự đào tạo của hệ thống Trường Sư phạm, từ chế độ chính sách và cả sự quan tâm, nhận thức của xã hội.
Quản lý trong giáo dục phổ thông là chuyên đề thảo luận cuối của Hội thảo, nhưng lại là một nội dung mà Nghị quyết 29-NQ/TW đã đặt ra còn cần nhiều vấn đề phải nhìn nhận, đổi mới.
Xã hội phát triển, chương trình, đội ngũ có nhiều thay đổi thì giờ đây mô hình của trường học trong giáo dục phổ thông được nhìn nhận thế nào?
Để giáo dục những congười mới có tính độc lập, tự chủ và nhận thức đúng có phải chăng ngay trong quản lý nhà trường đã phải có những thành tố này trong sinh hoạt, quản lý.
Và con người quản lý giáo dục phổ thông? Chế độ và những vấn đề của quản lý nhà nước?
Khi đất nước đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì môi trường và tổ chức giáo dục phổ thông sẽ phát triển ra sao?
Có phải chăng vai trò các trường ngoài công lập, các trường tư thục ngày càng quan trọng và có tác động đến không chỉ là nhận thức, tổ chức, chế độ chính sách mà đến chất lượng tổng thể của giáo dục phổ thông”.