Tăng lương, giáo viên sẽ không “dấm dúi” dạy thêm?
Lượt xem:
Tại Hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi một số điều Luật Giáo dục, đã có sự tham gia của 15 đại diện các Sở GDĐT phía Nam. Nhiều ý kiến đã đề cập đến vấn đề cấp thiết phải tăng lương cho giáo viên.
Tăng lương sẽ khiến giáo viên yên tâm với nghề
Ông Phan Sỹ Quang, Sở GDĐT tỉnh Đắk Nông nhận định, nếu lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc hành chính sự nghiệp, đời sống giáo viên được đảm bảo thì các thầy cô sẽ tập trung vào công tác chuyên môn tốt hơn, các tiêu cực bên ngoài sẽ hạn chế.
Ông Quang cho biết, hiện nay lương của giáo viên không đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu nên giáo viên phải bươn chải thêm bên ngoài, phải dạy thêm “dấm dúi” mới có đủ thu nhập nuôi gia đình. Vì vậy nên tăng lương như thế nào để đảm bảo đời sống tối thiểu cho giáo viên hơn là tăng ở bậc cao nhất.
Ông Trần Ngọc Long, THPT huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết, dự thảo sửa đổi luật giáo dục nêu vấn đề lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc hành chính sự nghiệp, đây là điều mà hàng triệu giáo viên mong chờ.
Ngoài ra, ở góc độ quản lý, nhiều đại biểu đã chỉ ra những bất cập khiến không ai muốn làm… lãnh đạo. Ông Bùi Văn Hoà, Hiệu trưởng một trường THCS ở Đồng Nai tẳng thắn cho biết, ông đã từng từ chối khi được mời làm ở Phòng giáo dục đào tạo vì khi làm quản lý, ông không còn được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên, thu nhập giảm, không có thời gian nghỉ hè như giáo viên…
Bà Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng trường Mầm non Vàng Anh (Quận 5, TP.HCM) cũng cho biết, khi lên làm cán bộ phòng giáo dục, lãnh đạo trường hoặc giáo viên sẽ mất gần nửa thu nhập so với ở cơ sở. Trong khi đó áp lực, trách nhiệm với công việc nhiều hơn nên không mấy người mặn mà.
TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường ĐH Luật TP.HCM – thành viên nhóm soạn thảo Luật Giáo dục sửa đổi cho rằng, đề xuất xếp lương giáo viên ở thang bậc cao nhất vì lương khởi điểm của giáo viên hiện nay rất thấp, dẫn tới việc không thu hút được người tài vào làm giáo viên.
Bộ GDĐT sẽ cấu trúc lại ngân sách cho giáo dục trên cơ sở nhiều vấn đề như ĐH công lập tự chủ tài chính sẽ giảm được ngân sách, chuyển cho các bậc học phổ thông, giảm biên chế trong các cơ sở giáo dục…
PGS.TS Hoàng Thị Thúy Nguyệt, Học viện Tài chính cũng cho biết, nhóm soạn thảo đang đề nghị chuyển đầu tư từ giáo dục bậc cao xuống giáo dục bậc thấp vì các bậc học thấp như mầm non, tiểu học, phổ thông mới là cái nền của giáo dục.