Thị xã Gia Nghĩa cần khắc phục hạn chế để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục

Lượt xem:

Đọc bài viết

Nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, Sở Giáo dục-Đào tạo vừa tiến hành thanh kiểm tra chuyên ngành đối với Phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) thị xã Gia Nghĩa và các trường học trực thuộc. Qua kiểm tra, Sở GD-ĐT đã kịp thời phát hiện những hạn chế và yêu cầu khắc phục để nâng cao chất lượng giáo dục.

Qua thanh tra, Sở GD-ĐT đề nghị Trường tiểu học Lê Hồng Phong và các đơn vị khác nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn

Nhiều nhiệm vụ hoàn thành

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, qua kiểm tra các nhiệm vụ chuyên môn, Phòng GD-ĐT thị xã cũng như các đơn vị trực thuộc đã cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra. Đối với phòng GD-ĐT đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các bậc học, cấp học về thực hiện quy chế chuyên môn, quy chế thi cử, nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế. Việc triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức họp ban giám hiệu các nhà trường, tập huấn chuyên đề theo từng bộ môn, triển khai bằng các văn bản hướng dẫn qua đường công văn, hộp thư công vụ, đăng trên website ngành….

Đối với từng bậc học, Phòng cũng xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Bậc mầm non tập trung thực hiện tốt công tác duy trì tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Các trường học chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo đảm công tác vệ sinh. Giáo viên đã phát huy tốt phong trào tự làm đồ dùng dạy học nên số lượng ngày càng phong phú, tạo hứng thú cho trẻ trong các giờ học. Bậc tiểu học chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng phát triển năng lực học sinh thông qua việc đổi mới cách thức tổ chức lớp học, cách dạy, cách học, cách thiết kế bài dạy theo hoạt động học của học sinh.

Các trường tăng cường các hoạt động thực hành, trải nghiệm, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh. Bậc THCS thực hiện nghiêm túc, linh hoạt chương trình, kế hoạch, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục theo quy định. Các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn nghiêm túc, bảo đảm, đúng quy chế, chú trọng sinh hoạt chuyên môn  theo chuyên đề.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua thanh tra, Sở GD-ĐT cũng đã chỉ ra những hạn chế và yêu cầu các đơn vị cần khắc phục.  Đơn vị chưa lập kế hoạch mở lớp xóa mù chữ, chưa tổ chức hội thảo đổi mới sinh hoạt chuyên môn tiếng Anh. Tại một số điểm trường lẻ của các trường được thanh tra còn thiếu nhiều thiết bị ngoài trời, chưa bảo đảm cho việc thực hiện chuyên đề phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non. Việc giáo dục kỹ năng cho trẻ chưa khoa học. Công tác bồi dưỡng dù được chú trọng thường xuyên những vẫn còn hạn chế.

Cụ thể như Trường mầm non Họa Mi (xã Đắk Nia) chưa tổ chức đánh giá việc thực hiện bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, chưa mở sổ theo dõi quá trình bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên.

Đối với bậc tiểu học, tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn ở xã Đắk Nia và Trường tiểu học Lê Hồng Phong ở phường Nghĩa Thành chưa hướng dẫn cụ thể bộ tài liệu hướng dẫn học theo mô hình trường học mới của từng khối lớp. Việc khen thưởng học sinh cuối năm học còn thể hiện so sánh giữa các học sinh với nhau, làm cho giáo viên hiểu nhầm có môn chính, môn phụ.

Trường tiểu học Trần Văn Ơn chưa tổ chức đánh giá việc thực hiện bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên. Nội dung bồi dưỡng về kiến thức tự chọn của một số giáo viên chưa bảo đảm đủ số tiết theo quy định.

Riêng giáo viên tiếng Anh Trường THCS Phan Bội Châu ở xã Đắk Nia chưa sử dụng triệt để để lập kế hoạch và thực hiện các loại hồ sơ của sổ.

Từ thực tế thanh tra tại các đơn vị, Sở GD-ĐT đã yêu cầu ngành Giáo dục thị xã cần tập trung khắc phục hạn chế để bảo đảm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học. Theo đó, hàng năm Phòng GD-ĐT phải phối hợp với Thanh tra Nhà nước thị xã xây dựng kế hoạch thanh tra hành chính đối với các đơn vị trực thuộc. Phòng GD-ĐT tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục, chú trọng kiểm tra các vấn đề đang được xã hội quan tâm để kịp thời xử lý, chấn chỉnh, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định hiện hành. Điển hình như việc thực hiện các khoản thu, chi, việc tổ chức dạy thêm, học thêm, việc sử dụng đồ dùng dạy học…

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền