Việc tranh chấp đất giữa người dân với Công ty TNHH Long Sơn (Tuy Đức): Âm ỉ suốt nhiều năm qua

Lượt xem:

Đọc bài viết

rong nhiều năm qua, việc tranh chấp có lúc diễn ra gay gắt, nhưng nhìn chung là âm ỉ, dây dưa vì chưa đạt được sự đồng thuận chung của các bên. Và đỉnh điểm của tranh chấp không mong đợi đã xảy ra là vụ 3 công nhân của Công ty TNHH Long Sơn bị bắn chết và hàng chục người khác bị thương vừa tại xã Quảng Trực…

Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ việc 3 nhân viên của Công ty TNHH Long Sơn bị bắn chết, 16 người khác bị thương.

RỪNG MẤT, ĐẤT BỊ CHIẾM…

Ngày 13/12/2007, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 241/QĐ-UBND cho Công ty TNHH Long Sơn (Tuy Đức) thuê 1.079 ha đất và rừng tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực (Tuy Đức) đầu tư dự án Nông lâm nghiệp cũng như quản lý, bảo vệ rừng. Trong số đó, rừng tự nhiên chiếm hơn 539 ha, số còn lại (540 ha) là đất không có rừng. Thời hạn được cấp quyền sử dụng đất đến ngày 28/2/2058.

Cũng tại Quyết định số 241, UBND tỉnh phê duyệt phương án hoạt động của công ty như sau: Trồng 441,1 ha cao su;  62,2 ha rừng; 68,0 ha điều. Còn đối với diện tích 539 ha rừng tự nhiên, công ty có trách nhiệm quản lý, bảo vệ theo quy định.

Và, kết quả theo Báo cáo số 1637/BC-UBND ngày 24/10/2016 của UBND huyện Tuy Đức, sau gần 9 năm triển khai thực hiện dự án, công ty mới chỉ trồng được là 92,3 ha cao su. Trong khi đó, diện tích rừng được giao cho công ty đã bị tàn phá là 501,7 ha. Đối với diện tích rừng còn lại (khoảng 38 ha) chỉ là rừng nghèo kiệt. Hiện nay, có 147 hộ dân đến từ nhiều địa phương khác nhau đang lấn chiếm của công ty 514,14/1.079 ha đất rừng để trồng điều (434,8 ha), cà phê (46,7 ha), cao su (29,3 ha) và hồ tiêu (3,3 ha)…

ĐỊA PHƯƠNG “ĐAU ĐẦU”…

Việc đất đai của công ty bị người dân lấn chiếm đã dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, phức tạp và khiến cho chính quyền địa phương rất “đau đầu”. Cụ thể, gia đình ông Hoàng Văn Sùng và một số hộ dân khác trú tại xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng (Bình Phước) đã khiếu kiện đòi bồi thường, hỗ trợ khi công ty thu hồi diện tích đất mà họ đã lấn chiếm tại tiểu khu 1535. Mặc dù vào ngày 2/8/2010, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1144/QĐ-UBND để giải quyết vụ việc, nhưng đến nay ông Hoàng Văn Sùng và các hộ dân vẫn chưa chấp thuận.

Một vụ việc khác đó là vào ngày 8/9/2015, nhiều hộ dân lấn chiếm đất tại tiểu khu 1535 đã tố cáo công ty hủy hoại tài sản của họ. Cho dù vụ việc đã được UBND huyện Tuy Đức ban hành Công văn số 1341/UBND-VP ngày 26/8/2015 để chỉ đạo Công an huyện Tuy Đức điều tra, xử lý theo quy định, nhưng đến nay vẫn chưa thể kết thúc.

Gần đây hơn là ngày 4/12/2015, nhiều hộ dân lấn chiếm đất tại tiểu khu 1535 đã gửi văn bản tới các cơ cơ quan chức năng nhằm đề nghị chỉ đạo công ty bồi thường hỗ trợ khi tiến hành san ủi, chặt phá cây trồng, nhà cửa của người dân. Vụ việc này cũng đã được UBND huyện Tuy Đức ban hành công văn số 2043/UBND-VP ngày 11/12/2015 chỉ đạo công ty xử lý theo quy định, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả…

Thời gian gần đây, tình trạng người dân lấn chiếm đất của công ty lại càng diễn ra phức tạp hơn. Chính vì vậy, trong các ngày 19/8/2016 và 1/9/2016, UBND tỉnh đều đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Tuy Đức phối hợp với công ty tiến hành rà soát, ngăn chặn người dân xâm lấn đất. Qua kiểm tra, xác minh, UBND huyện Tuy Đức đã thống kê được 35 căn nhà do người dân lấn chiếm đất mới dựng lên tại tiểu khu 1535. Ngày 5/10/2016, UBND huyện Tuy Đức đã tổ chức đối thoại với các hộ lấn chiếm đất của công ty. Tại cuộc đối thoại, các hộ dân đều kiến nghị yêu cầu công ty bồi thường về tài sản và công trình trên đất, cho dù là đất do người dân mới lấn chiếm. Nhiều hộ dân còn đề nghị thu hồi đất của công ty và giao lại cho các hộ dân sản xuất…

Việc tranh chấp làm mất ổn định an ninh trật tự trong thời gian dài

Theo ông Đoàn Hồng Quân, Chủ tịch UBND nhân xã Quảng Trực, việc tranh chấp đất giữa người dân với công ty đã làm mất ổn định anh ninh trật tự tại địa phương trong một thời gian dài.  Các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đã nhiều lần vào cuộc xử lý, giải quyết, nhưng mọi việc vẫn chưa thể chấm dứt được.

Về nguyên nhân, ông Quân cho rằng, trước hết là do trên địa bàn có quá nhiều người dân thuộc diện di cư tự do, nên địa phương không quản lý, kiểm soát được. Bên cạnh đó, ông Quân cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, công ty cũng chưa làm tốt công tác quản lý rừng và diện tích đất được giao. Điển hình là việc để cho nhiều người dân lấn chiếm đất đai, nhiều diện tích rừng bị tàn phá. “Trên địa bàn chúng tôi có đến 16 doanh nghiệp được giao đất, giao rừng.  Ngoại trừ công ty Long Sơn và một vài đơn vị khác thì hầu hết đều bảo vệ rừng, đất đai rất tốt. Vậy tại sao các đơn vị khác làm được mà công ty Long Sơn lại không làm được ?”, ông Quân bày tỏ.

 

Phải có các giải pháp thiết thực hơn nữa để ổn định các mặt đời sống xã hội

Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết trong thời gian qua, việc ổn định dân di cư tự do trên địa bàn Tuy Đức mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề phát sinh như người dân còn thiếu đất sản xuất, số dân di cư tự do ngày một gia tăng, trình độ dân trí còn thấp, nhiều đối tượng xấu thường xuyên kích động, lợi dụng, xúi dục người dân phá rừng, lấn chiếm đất đai…

Mặt khác, theo ông Huân, một số doanh nghiệp lại yếu kém về năng lực, chưa làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất đai. Từ  đó đã dẫn đến việc xảy ra nhiều vấn đề tiêu cực mà đỉnh điểm là vụ việc 3 người vừa bị bắn chết tại xã Quảng Trực. Ông Huân cũng bày tỏ quan điểm là huyện cũng như tỉnh và Trung ương đều hoàn toàn ủng hộ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Thế nhưng, để doanh nghiệp an tâm làm ăn thì cũng phải có những giải pháp thiết thực hơn nữa để ổn định các mặt trong đời sống xã hội. Ngược lại, bản thân các doanh nghiệp cũng phải có những cách làm tốt để qua đó góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. “Cả chúng ta và doanh nghiệp phải có cách nào đó để những sự việc như ở Quảng Trực không còn xảy ra nữa”, ông Huân trăn trở.

 

Nhóm PV