Xây dựng chính sách đặc thù để giáo dục Tây Nguyên phát triển

Lượt xem:

Đọc bài viết

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị

GD&TĐ – Nhằm đánh giá công tác phát triển giáo dục vùng Tây Nguyên trong năm qua, đồng thời nêu các giải pháp để từng bước đưa giáo dục các tỉnh khu vực này phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng 17/10, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ GD&ĐT và ĐHQG TPHCM đã phối hợp tổ chức Hội nghị về Phát triển GD-ĐT  vùng Tây Nguyên.

Tham dự Hội nghị có Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐHQG TPHCM, cùng đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT, trường ĐH – CĐ khu vực Tây Nguyên.

Giáo dục Tây Nguyên đã có bước chuyển mình rõ rệt

Đó là đánh giá của nhiều đại biểu tại Hội nghị về Phát triển GD-ĐT vùng Tây Nguyên trên các mặt giáo dục, kinh tế, sự ổn định và quy mô đội ngũ nhân lực trẻ đã qua đào tạo.

Theo ông Đoàn Văn Tin – Vụ Văn hóa – Xã hội (Ban Chỉ đạo Tây Nguyên) thành tựu của năm tỉnh Tây Nguyên trong những năm qua là không thể phủ nhận. Sự chuyển mình về chất lượng giáo dục, đặc biệt là công tác giáo dục dân tộc, công tác xây dựng và kiên cố hóa trường lớp, nâng cao chất lượng nhân lực vùng… đều có sự chuyển mình rõ rệt.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá: Vai trò của vùng Tây Nguyên trong đổi mới GD-ĐT là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp để phát triển giáo dục cho vùng là điều cần làm ngay.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến năm học 2015 – 2016, toàn vùng có 3.237 trường từ mầm non đến các cấp học phổ thông (tăng 153 trường so với năm học 2011 – 2012), trong đó: Ở bậc học mầm non là 976 trường (tăng 74 trường), bậc tiểu học 1.239 trường (tăng 44 trường), trung học cơ sở 809 trường (tăng 20 trường), trung học phổ thông 213 trường (tăng 15 trường). Số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia được tăng nhanh, đến nay toàn vùng có 1.046 trường (tăng bình quân 32%/năm).

Riêng về đội ngũ giáo viên, đến năm học 2014 – 2015, đội ngũ giáo viên các cấp học phổ thông của toàn vùng có: 83.505 giáo viên (tăng 10% so với năm học 2011 – 2012). Giáo viên, giảng viên các trường trung cấp, cao đẳng và đại học cũng được tăng cường, nếu như năm 2010 ở các cơ sở nghiên cứu và giáo dục, đào tạo trong vùng chỉ có 13 phó giáo sư, 66 tiến sĩ,  657 thạc sĩ, thì đến năm 2013 có 1 giáo sư, 17 phó giáo sư, 106 tiến sĩ, 1.500 thạc sĩ. Hiện nay, con số này ngày một tăng lên rõ rệt.

Các đại biểu tại hội nghị

Sự phát triển về quy mô trường lớp, đội ngũ là minh chứng cho sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước tới các địa phương trong việc kiên cố hóa trường lớp, kiện toàn và chuẩn hóa đội ngũ.

Tại Hội nghị các đại biểu cũng đã nhìn nhận thẳng vào các khó khăn mà Tây Nguyên đang gặp phải để tìm giải pháp bền vững lâu dài trong phát triển GD-ĐT. Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, sự phát triển của GD Tây Nguyên nói chung vẫn chưa gắn kết rõ nét với quy hoạch mạng lưới và sự đồng bộ khiến cho một số địa phương vẫn gặp khó khăn trong triển khai. Đơn cử như, sự gia tăng quy mô dân số (di dân), số trẻ gia tăng ở các cấp lớn ngày một cao, điều này khiến trường lớp thiếu hụt, đội ngũ chưa ổn định, chính vì vậy chất lượng giáo dục các cấp còn chênh lệch, tỉ lệ học sinh bỏ học vẫn cao. Tính riêng tỉnh Đắk Nông năm học này thiếu đến 368 giáo viên bậc tiểu học và mầm non.

Đồng quan điểm với bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk cũng nhìn nhận khó khăn hiện nay của các tỉnh vùng Tây Nguyên vẫn tồn tại như: Phát triển cơ sở vật chất trường lớp còn chênh lệch với điều kiện địa phương, công tác  thực hiện dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học còn khó khăn do thiếu phòng học…

Về chính sách cử tuyển dành cho học sinh vùng Tây Nguyên, bà Huỳnh Nữ Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – thẳng thắn nhìn nhận: Đây là một chính sách đúng đắn, nhân văn. Tuy nhiên, thời gian gần đây chính sách cử tuyển ít nhiều sai lệch đi ý nghĩa ban đầu khi người được cử tuyển đi học về lại không được nơi cử tuyển sắp xếp công việc. “Hiện nhiều huyện tại địa phương chúng tôi khi cho chỉ tiêu cử tuyển, được tỉnh thông báo nhưng không thấy huyện nào cử chỉ tiêu. Đây là bất cập đến từ chính các địa phương” – bà Thu Hà nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội nghị

Giải pháp để giáo dục vùng Tây Nguyên đi lên

Trong các kiến nghị và giải pháp được các đại biểu nêu ra tại Hội nghị thì các nhóm giải pháp nhiều nhất tập trung vào công tác đẩy mạnh hỗ trợ cho giáo viên, học sinh dân tộc thiểu số bằng các chính sách trực tiếp với phương án cụ thể. Trong đó, công tác kiện toàn hệ thống trường lớp, đặc biệt là các điểm trường lẻ, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn cần sớm có những tháo gỡ hoặc bằng cơ chế đặc thù mang tính địa phương, vùng miền cho khu vực Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT nhìn nhận, hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ chế độ ăn trưa cho trẻ mầm non hộ cận nghèo, giáo viên dạy lớp ghép, dạng tăng cường dạy tiếng Việt tại vùng khó khăn vẫn chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp chưa tốt. Bên cạnh đó, cơ chế tuyển dụng giáo viên chưa linh hoạt đã gây khó cho không ít vùng, điểm trường vùng xa. “Sắp tới Vụ Giáo dục Mầm non sẽ có những đề xuất cụ thể với lãnh đạo Bộ, Chính phủ để có một cơ chế thông thoáng hơn cho các vùng có tính đặc thù trong việc tuyển dụng giáo viên, giúp các địa phương chủ động hơn” – ông Nguyễn Bá Minh cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá: Vai trò của vùng Tây Nguyên trong đổi mới GD-ĐT là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp để phát triển giáo dục cho vùng là điều cần làm ngay.

Trong các giải pháp cụ thể được đại biểu nêu ra tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Điểm nổi cộm cần tháo gỡ cho bài toán dư thừa giáo viên, đồng thời thiếu hụt giáo viên cục bộ nhiều nơi. Vì vậy, các tỉnh vùng Tây Nguyên cần nhanh chóng rà soát lại mạng lưới quy hoạch trường lớp trên toàn tỉnh. Nơi nào thiếu thì cần tăng đầu tư, nơi nào có nhiều điểm trường lẻ, xa thì cần nghiên cứu, tính toán phương án để ghép trường, ghép lớp.

“Rà soát mạng lại lưới quy hoạch trường lớp không chỉ giải quyết được việc thiếu giáo viên mà còn tăng tính liên kết trong hệ hệ thống, tăng cường sự quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc ghép lớp, ghép trường phải hết sức linh hoạt, làm sao phát huy tốt nhất vai trò chủ đạo trong công tác quản lý, phục vụ tốt cho học sinh. Đặc biệt, tránh việc thực hiện nóng vội, thiếu khoa học, thực hiện việc một cách cơ học chỉ để mục tiêu tinh giản biên chế” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Bàn về nâng chất đội ngũ, quy hoạch lại công tác đào tạo giáo viên nhằm giải quyết cho bài toán thiếu hụt giáo viên cục bộ tại vài tỉnh của Tây Nguyên, cũng như đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới trong tương lai, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Sắp tới công tác đào tạo giáo viên sẽ theo địa chỉ, đào tạo một cách cụ thể, trực tiếp số lượng giáo viên thiếu từng môn, của từng địa phương. Những trường đào tạo giáo viên sẽ do Bộ GD&ĐT lựa chọn.

Do đó, các địa phương cần chủ động mọi điều kiện trên chính địa bàn của mình (đội ngũ, cơ sở vật chất, khuyến khích đổi mới phương pháp giảng dạy) nhằm tạo đà tiếp cận, làm quen cho giáo viên để khi đưa Chương trình mới vào thực tiễn giáo viên đáp ứng được yêu cầu, không lúng túng…

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến năm học 2015 – 2016, toàn vùng có 3.237 trường từ mầm non đến các cấp học phổ thông (tăng 153 trường so với năm học 2011 – 2012), trong đó: Ở bậc học mầm non là 976 trường (tăng 74 trường), bậc tiểu học 1.239 trường (tăng 44 trường), trung học cơ sở 809 trường (tăng 20 trường), trung học phổ thông 213 trường (tăng 15 trường). Số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia được tăng nhanh, đến nay toàn vùng có 1.046 trường (tăng bình quân 32%/năm).

Anh Tú