Cần lắm một chữ tâm

Lượt xem:

Đọc bài viết

CẦN LẮM MỘT CHỮ TÂM

 

Thuở còn là sinh viên, tôi luôn nghĩ rằng khi ra trường, mình sẽ là một cô giáo thật tốt, sẽ cố gắng dạy hay, gần gũi với các em như những người chị, người mẹ trong gia đình. Thế nhưng, qua gần 8 năm đi dạy, tôi mới nhận ra, có rất nhiều chuyện không như tôi tưởng. Có rất nhiều câu chuyện mà nếu không có tâm – người giáo viên chủ nhiệm sẽ không thể thấu hiểu và giải quyết được!

Nói thật, chắc giáo viên nào cũng mong lớp mình sẽ toàn những em học sinh chăm ngoan, học giỏi, thế nhưng, học sinh cá biệt – những em học kém, nổi loạn, nghịch ngợm thì hầu như không lớp nào là không có. Và để các em chú ý, tập trung vào việc học hành, mỗi giáo viên lại có cách ứng xử của riêng mình!

Câu chuyện mà tôi muốn kể không biết có phải là câu truyện đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời làm giáo viên chủ nhiệm của tôi hay không, vì với tuổi nghề còn non trẻ, tôi không dám so với những trải nghiệm phong phú của các vị tiền bối đã đi trước, những người đã có thâm niên 20 – 30 năm trong nghề. Nhưng chắc chắn đây là câu chuyện dạy cho tôi rất nhiều thứ, giúp tôi cố gắng hoàn thiện mình để trở thành một giáo viên tốt hơn.

Khi mới ra trường, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 11a3. Sau khi nhận bàn giao lớp, tôi đã trao đổi với giáo viên chủ nhiệm cũ để nắm sơ qua hoàn cảnh từng em. Đa số các em đều ngoan, tuy nhiên, tôi đặc biệt lưu ý đến Mạnh- một em học sinh mới chuyển đến- mê game, chưa tập trung học tập… Sau khi dạy một thời gian, tôi phát hiện thật ra Mạnh rất thông minh, em có thể nắm bắt vấn đề rất tốt cũng như có cách giải quyết bài tập khá độc đáo. Việc thường xuyên bị điểm kém là do em ấy mê chơi game, không tập trung học hành, lại hay cãi bướng! Tôi âm thầm tự nhủ phải tìm cách giúp đỡ Mạnh, để em ấy tập trung vào học hành vì nếu cứ tiếp tục như thế này, em ấy sẽ có lỗ hổng kiến thức rất lớn, sang năm lớp 12 còn phải thi tốt nghiệp và thi đại học, đó sẽ là một khó khăn không hề nhỏ. Tuy nhiên, chưa kịp tìm ra cách thì đã có chuyện xảy ra.

Bài văn cảm nghĩ về cô giáo chủ nhiệm 2.jpg

Ở trường tôi, kiểm tra 1 tiết tập trung, bài làm rọc phách chấm chung. Một hôm trước lúc trả bài kiểm tra 1 tiết, tôi mở bài của học sinh ra xem, thấy bài của Mạnh chữ viết nghệch ngoạc, trình bày cực kì cẩu thả, điểm rất kém khiến tôi ngạc nhiên… vì mặc dù lười học, nhưng do thông minh nên Toán là một trong những môn Mạnh học khá được. Sau khi trả bài, tôi chỉ lỗi sai các em hay mắc phải và nhắc nhở chung: “Các em làm bài phải cẩn thận, có một số em trình bày rất cẩu thả phải khắc phục ngay”. Tiếp tục tiết dạy, tôi gọi một vài học sinh lên bảng sửa bài tập, trong đó có Mạnh. Đứng trước tấm bảng đen, Mạnh lưỡng lự một vài phút sau đó bắt đầu làm bài, tuy nhiên, bài làm của em không ra hàng lối gì cả, tôi nhắc  Mạnh “Em viết cẩn thận vào chứ”. Mạnh im lặng, xóa phần đã làm, sau đó viết thêm vài chữ nữa rồi về chỗ. Bực quá tôi quát lên : “Tại sao em cẩu thả như vậy, em cố tình viết thế là không tôn trọng cô phải không”. Nghe thế, Mạnh lẳng lặng cầm cặp lên và bước ra khỏi lớp. Tôi giận lắm, muốn gọi điện mời phụ huynh Mạnh tới gặp để trao đổi về tình hình của em, chứ không thể để học sinh muốn làm gì thì làm, không tôn trọng giáo viên như thế này được.

Thế nhưng sau đó bình tĩnh lại, suốt cả tiết dạy, tôi luôn nghĩ về hành động của Mạnh. Mặc dù được liệt vào danh sách học sinh cá biệt, nhưng ngoại trừ lười học và mê chơi game ra thì Mạnh luôn có thái độ tôn trọng với thầy cô giáo. Em chưa bao giờ tỏ ra vô lễ hoặc chống đối như ngày hôm nay. Vì thế khi hết tiết dạy, tôi gọi Nam – một trong hai người bạn cùng bàn mà tôi thấy hay nói chuyện với Mạnh –  ở lại gặp riêng mình. Qua những lời Nam kể tôi mới biết được, hóa ra hoàn cảnh gia đình của Mạnh khá đáng thương. Sau một tai nạn, bố mẹ Mạnh qua đời nên cả gia đình chỉ còn Mạnh và anh trai nương tựa lẫn nhau. Sau khi anh trai Mạnh lập gia đình, vì nhà chị dâu neo người (chỉ có một mình chị dâu của Mạnh là con một) nên hai anh em Mạnh dọn về nhà chị dâu, ở cùng gia đình của chị. Anh trai Mạnh làm việc ở huyện, nên thường ở lại, cuối tuần mới về một lần. Mặc dù gia đình chị dâu đối xử với Mạnh khá tốt, nhưng đang ở tuổi mới lớn, nhạy cảm nên Mạnh luôn mặc cảm, tự ti vì mình phải đi ở nhờ nhà người khác. Không có người chia sẻ nên Mạnh khá thu mình, khép kín. Thiếu người bảo ban (vì chị dâu thường ngại nên cũng không dám dạy bảo, nhắc nhở Mạnh nhiều), điều đó khiến Mạnh càng như con ngựa hoang. Em dần trở nên mê chơi, lười học, thường chơi với bạn xấu,…

Nam cũng nói thêm cho tôi biết, mấy hôm nay Mạnh thường xuyên bị đau đầu, tay run khó viết bài. Thậm chí, có nhiều tiết học em không viết được gì. Nghe Nam nói, tôi nghĩ có lẽ Mạnh không cố tình viết cẩu thả, mà có lẽ do tay run nên em không viết thẳng hàng lối được. Điều đó khiến tôi khá ân hận vì mình đã la mắng em ngay trước lớp và trước mặt các bạn. Một điều mà các chàng trai tuổi mới lớn có lẽ sẽ cảm thấy khá… mất mặt!

Gọi điện đến nhà Mạnh, tôi được chị dâu Mạnh lo lắng cho biết, Mạnh đã bỏ nhà đi mấy ngày nay vì mới bị anh trai la mắng do học hành chểnh mảng, suốt ngày chơi bời. Khi nghe tin này, không hiểu sao trong đầu tôi lại hiện lên ánh mắt buồn bã Mạnh nhìn tôi lúc em quay người ra khỏi lớp. Hóa ra, mặc dù đã bỏ nhà đi mấy ngày, nhưng cậu bé ấy vẫn đều đặn đến lớp, vì đây là nơi cho em sự thân thiết, niềm vui.

Tôi cùng với mấy người bạn trong lớp hay chơi thân với Mạnh bắt đầu tìm kiếm em khắp nơi. Sau khi gặp được Mạnh ở một quán Game, tôi và các bạn đã nói chuyện với Mạnh rất nhiều. Tôi kể cho Mạnh nghe nhiều câu chuyện gặp khó khăn trong cuộc sống mà vẫn biết vươn lên, rằng nếu con người ta gặp khó khăn mà buông xuôi, không dám đối diện thì chẳng khác gì một thằng hèn, một chàng trai như vậy sẽ mãi mãi không thể trưởng thành, là chỗ dựa cho người khác,… Tôi cũng cho em biết rằng, sâu trong lòng, tôi vẫn luôn tin rằng em là một học sinh tốt, dù em lười học, mê game, nhưng tôi biết em vẫn cố gắng đến lớp đều đặn, tôn trọng thầy cô giáo,… Tôi xin lỗi vì đã mắng em trước lớp, nhưng đồng thời cũng tha thứ cho em vì đã bỏ đi mà không xin phép tôi. Thế nhưng, mặc kệ cho tôi và các bạn nói hết lời, Mạnh vẫn từ chối quay về.

Nhiều lần đi tìm và khuyên Mạnh, nói thật là tôi cũng mệt mỏi lắm, tôi tự nhủ, thôi, mỗi người có một số phận, mình đã nỗ lực hết sức, đã làm tròn bổn phận của một người giáo viên chủ nhiệm rồi. Nếu em ấy không tự ý thức được thì đành thôi chứ biết làm sao. Tôi không thể suốt ngày đi tìm em như thế này được, tôi còn công việc, cuộc sống của riêng mình nữa mà.

Thế nhưng, nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng tôi không đành lòng, tôi không “bỏ” được Mạnh. Tôi luôn tự động viên mình: Cố lên, mình chỉ đi tìm em ấy một lần này nữa thôi, nếu em ấy không nghe lời, mình sẽ không đi tìm nữa! Và thế là tôi đã động viên mình hết lần này đến lần khác. Vì cứ nghĩ đến hoàn cảnh đáng thương của Mạnh là tôi lại mủi lòng. Một cậu bé mồ côi cả cha mẹ, sống dựa vào anh trai, chị dâu như thế, hẳn em rất mặc cảm và có ý nghĩ tiêu cực, nhưng tôi chỉ mong rằng, em sẽ hiểu được sự cần thiết của việc học hành, sẽ tự ý thức được mình cần phải quay về, không sa đà vào những trò chơi vô bổ nữa.

Có lẽ, sự chân thành của tôi đã khiến Mạnh cảm động. Em đồng ý quay về nhà và tiếp tục đi học. Tôi mừng lắm, phân công cho những bạn học khá giỏi trong lớp thường xuyên kèm cặp, bổ sung lỗ hổng kiến thức cho em. Đồng thời mong các bạn quan tâm và chia sẻ với Mạnh nhiều hơn, giúp Mạnh hòa nhập với bạn bè chứ không tách biệt ra như trước.

Thế nhưng, tình trạng đau đầu và run tay của Mạnh ngày càng tăng, Mạnh cho biết mình đã đi khám, nhưng bác sĩ nói không có gì nghiêm trọng. Sốt ruột, tôi cho mời chị dâu em đến gặp để trao đổi tình hình, động viên đưa em đi khám lại ở những bệnh viện có chuyên khoa cao hơn. Tuy nhiên, chị dâu Mạnh buồn rầu cho biết, anh trai Mạnh thời gian này cũng mới bị bệnh, chạy chữa tốn rất nhiều tiền nên hiện tại gia đình cũng khá hoàn cảnh, không có tiền đưa em đi Thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh nữa. Ái ngại cho hoàn cảnh của gia đình Mạnh, tôi đã trao đổi với hội phụ huynh của lớp, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của phụ huynh học sinh. Không may chưa kịp đi Thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh, chỉ ngay ngày hôm sau, Mạnh đã ngất xỉu trong lớp và được đưa lên bệnh viện cấp cứu, sau đó bác sĩ quyết định cho em chuyển viện xuống Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết em bị bệnh Wilson – rối loạn chuyển hóa đồng và phải nằm liệt giường. Ngày nào tôi cũng điện thoại động viên em. Sau khi nằm liệt gần 1 năm trời, cuối cùng Mạnh cũng khỏi bệnh dù phải học chậm hơn các bạn. Bằng sự nỗ lực của mình và sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, bạn bè, sau đó Mạnh đã trở thành sinh viên ngành điện công nghiệp của đại học dầu khí.

Sau khi ra trường, Mạnh lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng mỗi năm vào dịp lễ, tết, Mạnh vẫn thường trở về Đăk Nông và ghé thăm gia đình tôi. Em thường kể cho tôi nghe về cuộc sống của mình hiện tại, về bạn gái dễ thương xinh xắn, về công việc vất vả nhưng luôn khiến em đam mê,… Mỗi khi nhìn thấy nụ cười của Mạnh, tôi luôn thấy thật may mắn vì ngày ấy mình đã làm đúng!

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, người giáo viên không chỉ là người truyền dạy kiến thức cho các em, mà còn là người dẫn lối, chỉ đường cho các em trong cuộc sống. Công việc này không nhàn hạ như nhiều người vẫn tưởng, mà nó rất cần một chữ Tâm. Ngày ấy, nếu không vì cái tâm của mình, có lẽ tôi đã bỏ mặc Mạnh sau một vài lần tìm kiếm, không thể kiên trì cho đến khi em đồng ý nghe lời quay về, và tương lai tốt đẹp ngày nay đã không xuất hiện. Tôi nghĩ, để làm một giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm tốt, điều quan trọng nhất vẫn là tấm lòng dành cho học sinh của mình, bất kể đó là một học sinh giỏi hay một học sinh cá biệt.