Chậm nhịp với cuộc cách mạng 4.0
Lượt xem:
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới công bố về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai, cho thấy trong tổng số 100 quốc gia được đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các chỉ số liên quan đến đổi mới sáng tạo còn ở mức thấp.
Những phân tích của WEF cho thấy ở hầu hết các chỉ số về khoa học, công nghệ, giáo dục, môi trường, đầu tư…, Việt Nam đều thấp so với các nước trong vùng.
Tại phiên thảo luận kinh tế, xã hội của Quốc hội sáng 25/5 vừa qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra nhận định, có lẽ chúng ta là một trong những quốc gia nói nhiều nhất về Cách mạng Công nghiệp 4.0. Chúng ta đang nói nhiều, mà chưa có hành lang pháp lí và áp dụng cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào sản xuất công nghiệp, kinh doanh, và thậm chí vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ công của bộ máy công quyền.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng tại Hội thảo bàn về Nghị quyết 19/2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh vừa được Chính phủ ban hành mới đây thì nói thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 hay 5.0 hay kỷ nguyên kinh tế số ở Việt Nam đến nay, chúng ta mới chỉ là giấy tờ, trên hội nghị. Đó là điều cảnh báo để chúng ta cùng tư duy, cùng suy nghĩ, thúc đẩy cho quá trình cải cách.
Cũng theo ông Cung, chúng ta nói nhiều tới thời đại công nghiệp 4.0, kỷ nguyên kinh tế số, nhưng rõ ràng tư duy về pháp luật, cách thức quản lý vẫn bị kìm hãm, không thay đổi. Những luật sắp tới ban hành, nếu chúng ta không thay đổi, vẫn theo lối đưa ra các điều kiện kinh doanh can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp; thêm các giấy phép con, cháu thì sẽ tiến nhanh hơn quá trình đuổi doanh nghiệp ra khỏi Việt Nam sớm hơn.
Từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để Việt Nam chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đem lại, ở hầu hết các bộ, ngành cũng mới chỉ đặt vấn đề ở mức “hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu tác động…” chưa có một kịch bản, chiến lược tiếp cận và phát triển phù hợp.
Cụm từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 chưa bao giờ được nói nhiều và quan tâm nhiều như thời gian gần đây. Thế nhưng, chúng ta mới dừng lại ở nói và quan tâm, còn việc tiếp cận như thế nào, bắt đầu từ đâu, cụ thể từng bộ, ngành, địa phương sẽ làm gì thì vẫn còn… rất chậm nhịp.
Bình Minh