Chung tay, góp sức giúp trẻ em có cuộc sống an toàn, lành mạnh
Lượt xem:
Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em là mục tiêu hướng đến của toàn thế giới nhằm chung tay bảo vệ thế hệ tương lai. Tuy nhiên, thực tế trong đời sống, trẻ em vẫn phải đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn.
Trẻ em cần có thêm nhiều diễn đàn, sân chơi để nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, tự bảo vệ bản thân |
Thấy cuộc sống vẫn chưa an toàn
Tại Diễn đàn trẻ em tỉnh Đắk Nông năm 2018, nhiều em có ý kiến cho rằng, mặc dù đã được gia đình, xã hội quan tâm về nhiều mặt nhưng cuộc sống của trẻ em hiện nay vẫn còn những mặt chưa an toàn.
Em Bùi Thị Phương Thảo, Trường THCS Nâm Nung (Krông Nô) bày tỏ: “Hiện nay, em thấy những vấn đề chưa an toàn, lành mạnh đối với trẻ em, đó là tệ nạn xã hội, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, bạo lực học đường, bóc lột lao động trẻ em. Em đã tích cực tham gia những lớp tập huấn về trẻ em để biết thêm những thông tin, học được cách để bảo vệ bản thân”.
Em Nguyễn Thị Thùy Linh, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Gia Nghĩa) chia sẻ: “Theo em, trẻ em hiện nay có mặt an toàn và mặt chưa an toàn. Mặt an toàn là trẻ em đã đón nhận được sự giáo dục của nhà trường, từ cha mẹ của các em nên có những kiến thức nhất định để có cuộc sống an toàn, lành mạnh hơn. Mặt chưa an toàn là trẻ em thiếu kỹ năng sống khi đối mặt với các tệ nạn xã hội”.
Em Huỳnh Văn Quý, Trường THCS Nam Đà (Krông Nô) cho biết: “Hiện nay, những điều làm cho em thấy cuộc sống chưa an toàn, lành mạnh như tệ nạn xã hội, xâm hại, bạo lực học đường… rất dễ xảy ra, nhất là trẻ em dễ bị bắt nạt khi ra khỏi nhà. Em đã tham gia các buổi sinh hoạt tập thể để trau dồi thêm kinh nghiệm sống, kiến thức. Đặc biệt, em thực hiện tốt bổn phận, vâng lời cha mẹ, thầy cô để đề phòng trước các tệ nạn xã hội, những mặt xấu của internet khi tham gia sử dụng mạng”.
Đại biểu trẻ em đề nghị có biện pháp hỗ trợ trẻ em trong việc tránh bị tác động xấu của internet |
Trẻ em cần được bảo vệ tốt nhất
Hiện cả nước có khoảng 26,3 triệu trẻ em và được quan tâm về tất cả các mặt trong đời sống, với nhiều chính sách ưu tiên. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Tuy vậy, trẻ em vẫn đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn.
Vì vậy, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong gia đình, nhà trường, xã hội là điều cần được quan tâm đúng mức nhằm chung tay bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Lê, chuyên viên Phòng LĐTB-XH thị xã Gia Nghĩa cho rằng: “Hiện nay, nổi cộm là các loại tai nạn, tình trạng bạo lực về thân thể, tinh thần và xâm hại trẻ em… Nguyên nhân, một phần là do sự tự vệ của trẻ em còn yếu kém, thiếu kỹ năng tự chăm sóc bản thân, một phần do sự quan tâm của gia đình chưa đúng mức, chưa đầy đủ”.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết: Hiện nay, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm nhiều hơn nữa tới việc bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học, xã hội, trau dồi các kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em, các ngành, các cấp, gia đình, nhà trường cần chung tay, góp sức trong việc giúp trẻ em có cuộc sống tốt nhất, an toàn, lành mạnh.
Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội, năm 2017, cả nước có 1.800 trẻ bị đuối nước. Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết; trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị tai nạn giao thông, chưa kể các tai nạn khác. |
Bài, ảnh: Thanh Nga