Chúng tôi rất ấn tượng với những gì liên quan đến vùng đất Đắk Nông!

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trong các ngày từ 16-20/7, tỉnh Đắk Nông đã đón Đoàn khảo sát thực địa của UNESCO do Tiến sĩ Guy Martini – Chủ tịch Hội đồng thẩm định mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu dẫn đầu đến khảo sát tiến trình xây dựng hồ sơ công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu cho CVĐC núi lửa Krông Nô.

Chuyến khảo sát diễn ra chỉ trong mấy ngày nhưng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và các chuyên gia đã đánh giá cao về sự nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng danh hiệu CVĐC toàn cầu.

Đoàn khảo sát UNESCO chụp hình lưu niệm tại buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút)

Trong chuyến khảo sát, về phía tỉnh Đắk Nông đã giới thiệu sơ bộ những giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và văn hóa giàu bản sắc của vùng CVĐC, nhất là sự tham gia của cộng đồng trong chiến lược phát triển chung của CVĐC…

Để có cái nhìn sâu sát, thực tế hơn, Đoàn khảo sát đã đi thực tế một số điểm như núi lửa Nam Dong (Cư Jút), núi lửa Thuận An (Đắk Mil), hệ thống hang động núi lửa Buôn Choáh, Cụm thác Đray Sáp – Gia Long, núi lửa Nâm Kar (Krông Nô), Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp), Vườn Quốc gia Tà Đùng (Đắk Glong), Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên, thác Lưu Ly (Đắk Song)…

Thăm Trung tâm thông tin CVĐC huyện Cư Jút

Tại các nơi đến, điểm dừng chân, các bảng, biển chỉ dẫn thông tin cần thiết được lắp đặt để Đoàn khảo sát cũng như người dân tìm hiểu, nắm bắt. Bộ phận hướng dẫn, thuyết trình cũng được bố trí đầy đủ, sẵn sàng hỗ trợ cho đoàn khi muốn tìm hiểu sâu hơn các vấn đề. Trung tâm thông tin CVĐC của 6 huyện, thị xã nằm trong khu vực CVĐC cũng được thành lập và trưng bày tất cả các hiện vật văn hóa của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh cũng như các mẫu vật đá hóa thạch, cây hóa thạch, các mẫu khoáng sản…

Tiến sĩ Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng thẩm định mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (thứ hai từ phải qua) rất ấn tượng với các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Ê đê

Điều ấn tượng nhất là tại các điểm Đoàn khảo sát đến, đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê rất phấn khởi và tiếp đón với tình cảm chân thành, nồng ấm. Đơn cử, đồng bào Ê đê ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) đã tưng bừng diễn tấu cồng chiêng, hát Aray, múa đón khách quý… Bà con tham dự lễ ai cũng mặc trang phục truyền thống của dân tộc và đón khách theo nghi thức cổ truyền.

Nhà văn hóa cộng đồng buôn Nui đông vui, nhộn nhịp, trưng bày khá nhiều các vật dụng dùng trong sinh hoạt và sản xuất của đồng bào như khung dệt vải, gùi, ghế K’pan, một số loại nhạc cụ truyền thống Đinh Năm, Đinh Tút, Ching ram (chiêng tre), trống da trâu…để giới thiệu với khách quý. Đời sống, sinh hoạt, tín ngưỡng của đồng bào Ê đê như được thu nhỏ tại đây.

Đồng bào M’nông ở xã Nâm Nung (Krông Nô) tập trung tại thác Đray Sáp đón khách quý

Đồng bào M’nông ở xã Nâm Nung (Krông Nô) cũng tưng bừng chào đón Đoàn khảo sát với nhịp chiêng và điệu múa xoang truyền thống tại khu vực thác Đray Sáp. Bên bếp lửa hồng và men rượu nồng say, đồng bào cùng các chuyên gia tay trong tay nới rộng vòng xoang và hát những giai điệu Tây Nguyên. Ché rượu cần vơi đi rồi lại đầy, cứ thế đêm lửa trại Đray Sáp thật sự ấm cúng, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho ai có mặt tại đây. Ngoài ra, Đoàn khảo sát còn được thưởng thức những món ăn đặc sản của núi rừng như cơm lam, thịt nướng, canh thụt, đọt mây, cùng một số sản vật của các địa phương trong CVĐC.

Đoàn khảo sát thực địa tại hang C6

Bà Daniela Martini (phu nhân Tiến sĩ Guy Martini) cho biết: “Tôi đã cùng chồng đi rất nhiều nước trên thế giới có CVĐC và được tham dự rất nhiều lễ hội của các dân tộc. Khi đến với Đắk Nông, thông qua đội ngũ thông dịch viên, chúng tôi rất ấn tượng với những gì liên quan đến vùng đất này, từ tên gọi các địa danh, lịch sử đến cảnh quan, ẩm thực… Tất cả đều rất đẹp và tôi rất xúc động trước tình cảm mà cộng đồng nơi đây mang lại, quá ấm áp, chân tình”.

Di chỉ mộ táng người tiền sử-một trong những nét độc đáo của CVĐC núi lửa Krông Nô

Chuyến khảo sát kết thúc, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông, thay mặt Đoàn khảo sát, Tiến sĩ Guy Martini đã đánh giá cao những giá trị nổi bật của CVĐC núi lửa Krông Nô và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông đối với việc xây dựng hồ sơ công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu. Tiến sĩ cũng cho rằng, để hoàn thành tốt các hạng mục công việc còn lại, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO, tỉnh cần tiếp tục xây dựng, xúc tiến các kế hoạch làm việc hết sức chặt chẽ, nhằm triển khai các phần việc nhanh và hiệu quả nhất.

Bài, ảnh: Mỹ Hằng