Lạc quan du lịch
Lượt xem:
Cứ sau Tết Nguyên đán hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường có báo cáo nhanh về tình hình du khách đến tham quan, du lịch tại Đắk Nông cũng như doanh thu đạt được. Qua mỗi năm, lại có thêm những tín hiệu vui, sự hứa hẹn về sự phát triển của ngành công nghiệp “không khói”.
Điển hình, trong dịp Tết Đinh Dậu-2017 đã có 24.350 lượt khách đến tham quan, du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, với doanh thu du lịch đạt 755,3 triệu đồng. Tương tự, trong dịp Tết Mậu Tuất-2018 mới đây cũng đã có 27.850 lượt khách đến tham quan, du lịch tại Đắk Nông, với doanh thu du lịch ước đạt 990 triệu đồng.
Đoàn du khách đến từ Bà Rịa – Vũng Tàu thích thú khi được du ngoạn bằng thuyền trên hồ Tà Đùng. Ảnh: Thanh Nga |
Các địa điểm thu hút du khách nhiều nhất vẫn là Khu du lịch sinh thái cụm thác Đray Sáp- Gia Long, Điểm du lịch sinh thái thác Đắk G’Lun (Tuy Đức), Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung, Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng. Điểm đáng chú ý là dịp Tết Mậu Tuất, có 280 lượt khách quốc tế, trong khi Tết Đinh Dậu chỉ vỏn vẹn là 25 lượt.
Nhìn vào con số thống kê trên có thể thấy, trong dịp Tết Mậu Tuất số lượt du khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tăng 3.500 lượt so với Tết Đinh Dậu và doanh thu cũng tăng hơn 235 triệu đồng. Mặc dù chưa có sự đột phá gì lớn, nhưng qua đó cũng cho thấy, tình hình du lịch của tỉnh vào thời điểm được xem là sôi động nhất trong năm đã có những tín hiệu vui, tạo thêm niềm lạc quan vào năm mới.
Đắk Nông có khí hậu ôn hòa, giao thông thuận lợi, nhiều thắng cảnh đẹp, tiềm năng lớn, là cơ sở để phát triển thành ngành du lịch. Về thiên nhiên, địa bàn tỉnh có một hệ thống rừng bảo tồn đặc dụng như Tà Đùng, Nam Nung với hệ sinh thái động vật, thực vật phong phú và một hệ thống thác nước nổi tiếng như cụm thác Gia Long-Trinh Nữ- Đray Sáp dọc sông Sêrêpốk, thác 7 tầng, thác Giấy, thác Ngầm, thác Lưu ly, thác Liêng Nung, thác Cô Tiên… Đặc biệt, hệ thống hang động núi lửa Krông Nô vừa được phát hiện và tỉnh đang xúc tiến xây dựng Công viên địa chất toàn cầu là một tiềm năng to lớn để khai thác, phát triển du lịch.
Về tài nguyên nhân văn, địa bàn tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với một kho tàng văn hóa lễ hội phong phú, đa dạng. Đắk Nông cũng nằm trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử quan trọng như Di tích lịch sử N’Trang Lơng (Tuy Đức), Di tích N’Trang Gưr (Krông Nô) Di tích lịch sử Khu căn cứ cách mạng B4 (Krông Nô), Nhà ngục Đắk Mil (Đắk Mil) là cơ sở để khai thác phục vụ hoạt động du lịch.
Thuyền vịt trên lòng hồ Trung tâm (Gia Nghĩa), một hình thức giải trí thu hút du khách. Ảnh: Mỹ Hằng |
Trong những năm qua, tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động để quảng bá hình ảnh Đắk Nông đến với bạn bè gần xa, tạo sức hút đối với du khách. Đặc biệt, năm nay tỉnh ta tổ chức Hội Xuân Mậu Tuất năm 2018 khá quy mô, từ ngày 22-24/2 tại khu vực hồ Trung tâm (Gia Nghĩa), với chủ đề “Sắc xuân trên cao nguyên M’nông”, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong năm mới và cũng là dịp để quảng bá hình ảnh Đắk Nông với bạn bè gần xa. Tiếp đó, vào ngày 25/2 thị xã Gia Nghĩa tổ chức ngày hội văn hóa Xuân Liêng Nung năm 2018 sẽ góp phần làm rộn ràng không khí vui xuân. Chỉ với hai hoạt động này, số lượng du khách đến với địa bàn Đắk Nông trong dịp đầu năm mới Mậu Tuất chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Với những hoạt động đầu năm hết sức sôi động, chắc chắn người dân, du khách sẽ có thêm những cảm nhận tốt đẹp về quê hương, vùng đất, con người Đắk Nông đang từng bước chuyển mình trên con đường dựng xây và phát triển. Tuy nhiên, dù có tiến bộ nhưng tình hình phát triển du lịch ở tỉnh Đắk Nông thời gian qua vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Vì vậy, để cho du lịch thực sự là mũi nhọn và động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội, tỉnh Đắk Nông vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi không ít sự đầu tư cả về nhân lực lẫn vật lực.
Tường Mạnh