Xây dựng đội ngũ thầy thuốc “giỏi về y thuật, sáng về y đức”!

Lượt xem:

Đọc bài viết

Những năm qua, cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại, ngành Y tế luôn chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn. Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2018), phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hương, TUV, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông xung quanh vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương

PV: Bà đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực y tế tỉnh nhà trong những năm gần đây?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Những năm qua, đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện, toàn ngành có 2.128 cán bộ y tế; trong đó, tỷ lệ cán bộ y tế tuyến tỉnh chiếm 29%, tuyến huyện chiếm 44,2%, tuyến xã chiếm 26,8%. Tổng số bác sĩ 458 người, đạt 7,3 bác sĩ/vạn dân. So với năm 2012, số lượng bác sĩ đã tăng 170 người; trong đó, bác sĩ có trình độ sau đại học tăng 75 người, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân tăng 1,6 bác sĩ. Các chỉ số đánh giá năng lực cung ứng của hệ thống y tế liên quan đến nguồn nhân lực cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu được giao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù nguồn nhân lực của ngành đã có sự phát triển đáng kể, nhưng vẫn còn thiếu và mất cân đối giữa một số chuyên ngành, chưa đáp ứng tốt kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

PV: Thời gian qua, ngành Y tế đã có những giải pháp nào để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Hằng năm, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực luôn được ngành hết sức chú trọng. Ngành đã tận dụng tất cả các nguồn lực để tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế. Các hình thức đào tạo cũng đa dạng từ đào tạo chuyên khoa sâu sau đại học đến đào tạo theo gói dịch vụ.

Ngành cũng đã ký kết chương trình hợp tác với các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh để đào tạo theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” ngay tại các đơn vị. Các cơ sở y tế cũng cử y, bác sĩ tham gia các hội thảo nghiên cứu khoa học về các kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực y tế để cập nhật thêm kiến thức, kinh nghiệm trong điều trị, phẫu thuật…

Bên cạnh đó, để thu hút cũng như “giữ chân” bác sĩ có trình độ chuyên môn cao công tác lâu dài tại địa phương, từ năm 2015, tỉnh đã triển khai “Chính sách thu hút đãi ngộ cán bộ y tế có trình độ cao” giai đoạn 2015-2020. Theo đó, các bác sĩ, dược sĩ hưởng chính sách được nhận số tiền từ 180 triệu đồng đến 250 triệu đồng tùy theo trình độ. Ngoài ra, dựa trên vị trí và khu vực công tác, các y, bác sĩ được nhân hệ số đãi ngộ để tăng thu nhập.

Cùng với việc nâng cao chuyên môn, các đơn vị y tế trong tỉnh cũng xây dựng quy chế, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ 12 điều y đức trong đội ngũ cán bộ. Các phong trào thi đua cũng được tổ chức, gắn liền với việc nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế trong công việc, nhất là thái độ ứng xử, chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người thầy thuốc.

PV: Từ việc phát triển nhân lực y tế, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn đã có những thay đổi tích cực gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Thực tế cho thấy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã góp phần giúp các cơ sở y tế trên địa bàn phát triển nhiều dịch vụ đa dạng và có chất lượng. Nhiều kỹ thuật khó trước đây không thể thực hiện độc lập tại các bệnh viện thì nay các bác sĩ đã vững vàng, tự chủ thực hiện, cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo.

Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phẫu thuật thành công nội soi ổ bụng, nội soi hệ tiết niệu, chấn thương sọ não, phẫu thuật thần kinh, triển khai ứng dụng thở máy sơ sinh, đặt catheter tĩnh mặt rốn, đo huyết áp động mạch xâm lấn… Một số bệnh viện tuyến huyện cũng đã triển khai thành công các kỹ thuật cao, kỹ thuật vượt tuyến, thu hút được đông đảo người dân đến khám, chữa bệnh, “giảm tải” cho tuyến trên.

Y sĩ Nguyễn Ngọc Liêm, cán bộ Trạm y tế xã Đắk Sắk (Đắk Mil) khám bệnh cho người dân. Ảnh: Vũ Trang

PV: Ngành Y tế có những định hướng gì để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân?  

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Thu hút, phát triển nguồn nhân lực y tế là “đòn bẩy” quan trọng để các cơ sở y tế trên địa bàn phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu, tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Xác định điều đó, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục rà soát, bố trí cán bộ y tế đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý cho tất cả các tuyến. Với nhiều hình thức khác nhau, công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế sẽ tiếp tục được tăng cường.

Ngành tiếp tục rà soát, đề xuất và triển khai những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm thu hút cán bộ có chuyên môn cao về làm việc tại các cơ sở y tế, nhất là duy trì đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều quan trọng là phải tạo môi trường tốt cho đội ngũ cán bộ y tế có điều kiện phát triển và yên tâm công tác.

Để làm được điều đó, ngành đang tập trung nhiều giải pháp nhằm từng bước tăng các dịch vụ kỹ thuật y tế cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, ngành cũng tranh thủ các nguồn lực, mở rộng liên doanh, liên kết, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Đặc biệt, mỗi cơ sở khám, chữa bệnh, mỗi cán bộ y tế phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như y đức để phục vụ ngày càng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Nói cách khác, toàn ngành tiếp tục xây dựng đội ngũ thầy thuốc “giỏi về y thuật, sáng về y đức”!.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Vũ Trang thực hiện