Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh

Lượt xem:

Đọc bài viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi công tác cán bộ là khâu then chốt trong toàn bộ hoạt động, là nguyên nhân thành, bại của cách mạng. Yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới của đất nước nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng đòi hỏi ngày càng cao hơn, đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp hơn, do vậy Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định phải tập trung xây dựng nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt “có tâm, xứng tầm” để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mới.

 Cán bộ nguồn tham gia các chương trình bồi dưỡng do Viện Chính sách công đảm nhận

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của Tây Nguyên, có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia dài 130 km; vào thời điểm tái lập (01/01/2004) tỉnh Đắk Nông gồm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, dân số hơn 410.000 người với 40 dân tộc anh em cùng chung sống trong điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Từ khi thành lập đến nay, Đắk Nông luôn đứng trước những thách thức về nguồn nhân lực bởi quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương đòi hỏi rất cao về chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh chủ yếu được điều động từ tỉnh Đắk Lắk sang, đến nay lực lượng này phần lớn đã nghỉ hưu hoặc đến tuổi nghỉ hưu. Đội ngũ cán bộ trẻ được tuyển dụng mới hầu hết được đào tạo cơ bản nhưng chưa có điều kiện rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tiễn nên chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh; việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các địa phương về Đăk Nông công tác còn gặp nhiều khó khăn, chính sách thu hút chưa mang lại hiệu quả.

Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương cùng sự nỗ lực của cán bộ, quân và dân tỉnh nhà – Đắk Nông đạt được tốc độ phát triển khá nhanh: năm 2011 dân số đạt trên 516.000 người với 8 đơn vị hành chính cấp huyện, tốc độ tăng trưởng GDP hơn 12%…Tuy nhiên về cơ bản vẫn là một tỉnh có “kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thấp kém, nội lực yếu, nguồn nhân lực bất cập”. Trước yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; ngày 10/8/2011 Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020 làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đội ngũ cán bộ, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của tỉnh với quan điểm: phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá, vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài; tập trung trọng tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, cán bộ quản lý các ngành, các cấp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ trương cơ bản là: đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tạo sự chuyển biến rõ nét chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh toàn diện về các mặt tri thức, kỹ năng, hành vi, ý thức chính trị, đạo đức xã hội.

Trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cụ thể ở cấp, ngành mình và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra theo đúng lộ trình. Thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho sát với tình hình thực tế, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/TU, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 35/2011/NQ-HĐND và UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng Quyết định số 03/2012/QĐ-UBND quy định các chính sách phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2012 – 2015 gồm các chính sách về hỗ trợ đào tạo; chính sách thu hút; chính sách hỗ trợ thôi việc, nghỉ việc; chính sách hỗ trợ điều động cán bộ, công chức viên chức và hỗ trợ luân chuyển cán bộ. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã ban hành và tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách nhằm đào tạo, phát triển và thu hút nhân lực trên địa bàn như chính sách về công tác cán bộ; chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ, chính sách dạy nghề… đặc biệt công tác phát triển nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, đội ngũ cán bộ chủ chốt đã được các cấp ủy và lãnh đạo đơn vị quan tâm thực hiện với hơn 400 cán bộ được cử, được khuyến khích tự đào tạo sau đại học, đại học văn bằng 2; hơn 3.000 cán bộ được tham dự các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý; kỹ năng xử lý tình huống…

Quá trình triển khai các kế hoạch, chính sách để thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy bước đầu đã mang lại kết quả đáng ghi nhận trong công tác đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng cán bộ của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như hiệu quả của công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số; chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng được nâng cao; tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề hàng năm đều tăng đáng kể. Đội ngũ cán bộ hầu hết được đào tạo cơ bản, có năng lực công tác, có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống đáp ứng được yêu cầu thực thi công vụ trong tình hình mới, đã phát huy khả năng, năng lực của mình trong việc vận dụng các kiến thức được học vào thực tiễn công tác, góp phần nâng cao chất lượng chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương, đơn vị; được cấp uỷ các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét quy hoạch và bổ nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Bên cạnh những thành quả chung về phát triển nguồn nhân lực đã đạt được trong thời gian qua, có thể nói thành quả nổi bật hơn cả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh Đắk Nông là việc quản lý và phát triển đội ngũ cán bộ nguồn của tỉnh.

Từ thực trạng văn hóa- xã hội, môi trường công tác, học tập cũng như khó khăn về biên chế, nguồn lực vật chất…, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhận thấy rõ những vướng mắc, bất cập đặc thù của tỉnh trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ ngày càng khó khăn, phức tạp, dẫn đến việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các địa phương khác về phục vụ tại tỉnh nhà chưa thể đạt hiệu quả mong đợi.

Để giải quyết tình trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 440-QĐ/TU về “Tổ chức và quản lý hoạt động xây dựng cán bộ nguồn dài hạn của tỉnh” và Quy định số 17-QĐ/TU về “Quản lý đội ngũ cán bộ nguồn của tỉnh” nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh từ đội ngũ cán bộ, công chức tại chỗ. Qua quá trình đánh giá, nhận xét, lựa chọn nghiêm túc, chặt chẽ, chú trọng chất lượng đối với lực lượng cán bộ công tác và sinh sống tại các địa phương, đơn vị trong tỉnh kết hợp với công tác nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố và rút kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động tuyển chọn, tổ chức, quản lý cán bộ nguồn; Ban Tổ chức đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tuyển chọn được 338 đồng chí để quy hoạch vào đội ngũ cán bộ nguồn của tỉnh. Lực lượng này hầu hết có tuổi đời rất trẻ (dưới 35 tuổi chiếm trên 73%), được đào tạo bài bản, có năng lực thực tiễn, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng trở thành lớp cán bộ lãnh đạo kế cận của tỉnh trong tương lai.

Trong tổng số 338 cán bộ nguồn, tỷ lệ nữ chiếm trên 35%, dân tộc thiểu số chiếm hơn 15%. Về trình độ lý luận chính trị: cao cấp chiếm 38,46%, trung cấp chiếm 16,86%. Về chuyên môn nghiệp vụ: sau đại học chiếm 22,78%, đại học chiếm 73,96%; đang nghiên cứu sinh 03 đ/c, đang học thạc sĩ 43 đ/c.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, địa phương đã đề bạt, bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử nhiều cán bộ nguồn giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý các cấp, trong đó 01 đ/c tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 04 đ/c tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; 20 đ/c là Trưởng, phó các sở, ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể cấp tỉnh; 03 đ/c tham gia Ban Thường vụ các huyện, thị ủy; 30 đ/c tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ các huyện, thị và tương đương; 116 đ/c là Trưởng, phó phòng các Sở, ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể cấp tỉnh; 94 đ/c là Trưởng, phó phòng các phòng, ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể cấp huyện và 30 đ/c là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Có được kết quả trên chính là do sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của cấp ủy các cấp mà trước hết là Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Là tỉnh miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Đắk Nông đã rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức thực tiễn cũng như kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ nguồn nói riêng. Trong 5 năm qua, Tỉnh ủy đã cử 46 đồng chí (trong đó có 33 cán bộ nguồn) đi đào tạo nâng cao Tiếng Anh tại Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh để đáp ứng điều kiện tiếp tục học thạc sĩ ở nước ngoài và trong số này đã có 03 trường hợp nhận học bổng toàn phần đào tạo trình độ thạc sĩ AAS của Chính phủ Úc với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng, 34 trường hợp tiếp tục đào tạo sau đại học tại các chương trình liên kết với nước ngoài, các trường đại học có uy tín với các chuyên ngành tỉnh ưu tiên đào tạo nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy cử 167 cán bộ nguồn đi đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức (theo Đề án 165). Mở 02 lớp bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho 72 đ/c để luân chuyển về cơ sở thực hiện quá trình rèn luyện, đào tạo từ thực tiễn. Phối hợp với Viện Chính sách công thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh mở 05 lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý; 02 lớp xây dựng chiến lược phát triển kinh tế bền vững cho địa phương trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với 299 lượt cán bộ nguồn tham gia.

Trong số 72 đ/c đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức thực tiễn, đến nay Ban Tổ chức đã tham mưu cho Tỉnh ủy thực hiện luân chuyển về cơ sở để tiếp tục đào tạo, rèn luyện, thử thách trong thực tế nhằm tạo nguồn cán bộ cho những năm tiếp theo đối với 57 đồng chí, trong đó đảm nhiệm chức vụ bí thư, phó bí thư cấp xã là 12 đồng chí; chủ tịch, phó chủ tịch cấp xã là 15 đồng chí; còn lại là trưởng, phó các phòng ban, đoàn thể của huyện, thị. Qua khảo sát, đánh giá chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ nguồn được luân chuyển về cơ sở cho thấy: đa số đã hòa nhập tốt, phát huy vai trò, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc; có nhiều đóng góp xây dựng địa phương, giúp cơ quan nơi luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hầu hết cán bộ ngày càng khẳng định được uy tín, năng lực chuyên môn và khả năng lãnh đạo, quản lý nên đã được cán bộ, nhân dân tin tưởng.

Việc quy hoạch cán bộ nguồn vào các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp ngày càng được quan tâm. Đến nay, hầu hết cán bộ nguồn của tỉnh đã được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Trong 05 năm vừa qua, đội ngũ cán bộ nguồn của tỉnh đã được tín nhiệm bổ nhiệm 83 vị trí; luân chuyển, điều động được 141 vị trí (trong đó có 149 đồng chí được giao đảm nhiệm các chức danh quản lý, lãnh đạo cao hơn so với thời điểm được quy hoạch cán bộ nguồn).

Từ những kết quả bước đầu đáng ghi nhận trên, có thể khẳng định: công tác tạo nguồn cán bộ chủ chốt và xây dựng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ nguồn luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đặc biệt quan tâm; việc tuyển chọn đội ngũ cán bộ trẻ đưa vào tạo nguồn, cử đi đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo chất lượng và được triển khai đồng bộ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; công tác theo dõi, quản lý, nhận xét, đánh giá thực hiện cơ bản sâu sát, khách quan đảm bảo đúng quy định.Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn được thực hiện thường xuyên tại các cơ sở đào tạo có uy tín; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được xây dựng cụ thể hằng năm; công tác lựa chọn cán bộ để cử đi đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện dân chủ, công khai và đúng quy định. Đội ngũ cán bộ sau khi được đào tạo, bồi dưỡng có nhận thức chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng lên góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị – xã hội của tỉnh nhà.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và đề ra các giải pháp hiệu quả đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ chủ chốt mà đặc biệt là đội ngũ cán bộ nguồn của tỉnh, trong thời gian tới tỉnh Đăk Nông cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển nguồn nhân lực; chủ động thực hiện tốt công tác dự báo nhu cầu phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn để bổ sung nhân tố mới cho nhiệm kỳ tiếp theo và thường xuyên theo dõi, tổ chức đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Kết hợp chặt chẽ giữa các khâu trong công tác cán bộ nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả cán bộ sau đào tạo; đào tạo phải xuất phát từ quy hoạch để bố trí sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực.

Bên cạnh đó, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ phải thật sự dân chủ, chính xác, khách quan và thường xuyên; phải lấy hiệu quả công tác làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ. Hằng năm cần thường xuyên thực hiện việc rà soát đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ năng lực, tiêu chuẩn, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới có triển vọng phát triển nhằm tạo động lực thúc đẩy và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt, giúp mỗi cán bộ tự giác chấn chỉnh, nâng cao ý thức, thường xuyên rèn luyện, phấn đấu tu dưỡng và trưởng thành.

Với một tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn như Đắk Nông, nếu thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy đã đề ra, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh chắc chắn sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần mạnh mẽ sự phát triển của tỉnh.

Mai Thị Xuân Trung