Đồng bào Mạ ở Đắk Nia gìn giữ vốn quý của dân tộc
Lượt xem:
Cùng với việc chăm lo phát triển phát triển kinh tế, đồng bào Mạ ở xã Đắk Nia (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) còn có ý thức, quan tâm đến việc gìn giữ vốn quý, bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Người Mạ bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) tích cực tham gia hội thi tại các ngày lễ, tết do địa phương tổ chức. Ảnh: Y Krăk |
Giữ nghề truyền thống
Điển hình như gia đình bà H’Bạch và ông K’Wơn vẫn còn giữ nghề dệt thổ cẩm, sản xuất những tấm áo choàng, khố, chăn để bán ra thị trường. Theo bà H’Bạch, nghề dệt thổ cẩm đã gắn liền với gia đình bà lâu lắm rồi, dù số lượng bán ra không được nhiều nhưng đó là niềm đam mê và cũng là cách để gìn giữ văn hóa truyền thống.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là qua tìm hiểu, Lâm Đồng là nơi người Mạ sinh sống đông đúc và hoạt động du lịch cộng đồng phát triển, ông K’Wơn đã đi khắp nơi chào hàng và ký gửi sản phẩm tại các khu du lịch. Nhờ vậy, sản phẩm thổ cẩm của gia đình bà H’Bạch ngày càng được mọi người biết đến, ưa chuộng. Khách hàng ngày mỗi nhiều nên để kịp giao cho khách, bà huy động thêm hai cô con gái cùng tham gia làm và giữ nghề.
Bà H’Bạch cho biết: “Mỗi người có một cách làm khác nhau nhưng nếu vì sản phẩm làm ra không bán được mà đành bỏ đi một nghề truyền thống có từ lâu đời của dân tộc thì đó là điều đáng tiếc. Mình phải tìm cách để tồn tại và sống được với nghề, đó là điều đáng quý”.
Tương tự, chị H’Grum lại chọn cho mình nghề ủ rượu cần bằng lá men rừng. Thời gian đầu, chị chỉ làm phục vụ nhu cầu của gia đình, nhưng về sau bà con trong bon cũng như khách hàng đặt nhiều nên chị đã mạnh dạn mua nguyên vật liệu về làm và bán ra thị trường. Với các loại gạo, ngô, sắn, cùng với các loại lá cây, men rừng truyền thống, trung bình mỗi năm, gia đình chị bán ra thị trường hơn 300 ché rượu cần.
Chị H’Grum cho biết: “Nguyên liệu chủ yếu của rượu cần là gạo, sắn và men lá cây rừng nên giữ nguyên được mùi vị truyền thống nên bà con xa gần rất yêu thích. Mỗi người mỗi nghề và có một bí quyết riêng nhưng dựa trên cách làm truyền thống thì vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa vừa giữ cho mình bí quyết độc đáo riêng”.
Ông Y Bông ở bon Phai Kon Pruđăng dù đã 60 tuổi nhưng vẫn tìm thầy học đánh cồng chiêng, dạy thổi các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Dù kinh tế gia đình cũng chẳng mấy khá giả nhưng ông đã bỏ ra hơn chục triệu đồng để mua các loại nhạc cụ như r’lét, m’buốt, goong reng để về sử dụng.
Theo ông Y Bông, các loại nhạc cụ này thật ra rất dễ làm nhưng do ông không biết cách tạo âm thanh nên mua. Dù đắt một tí nhưng mua về vừa sử dụng vừa bảo tồn được nét văn hóa của dân tộc thì cũng nên làm.
Hoạt động cồng chiêng luôn được những người già, nghệ nhân chú trọng bảo tồn |
Nòng cốt trong các hoạt động văn hóa
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn xã Đắk Nia có 380 hộ với hơn 1.500 khẩu dân tộc Mạ, sinh sống chủ yếu ở các bon Bu Sốp, N’jriêng, Sê Rê Ú, Phai Kon Pruđăng, Tinh Wel Đơm…
Hiện tại, mỗi bon đều thành lập được một đội văn nghệ dân gian, với hạt nhân nòng cốt là các nghệ nhân, người am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc. Hàng năm, vào các dịp lễ tết, đồng bào Mạ lại tích cực tham gia các hoạt động văn hóa do tỉnh, địa phương tổ chức như Hội xuân Liêng Nung, phục dựng một số lễ hội truyền thống của dân tộc.
Tại các hội thi, liên hoan văn hóa toàn quốc, khu vực, đồng bào Mạ là những thành viên nòng cốt trong các đoàn nghệ nhân tham gia tái hiện các lễ hội truyền thống để quảng bá, giới thiệu cho các dân tộc anh em khác trong cả nước được biết.
Điều đáng mừng là hiện nay, bà H’Gêng ở bon Bu Sốp, ông K’Ngun ở bon Tinh Wel Đơm được tỉnh lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Riêng nghệ nhân K’Tiêng ở bon N’jriêng thì được đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2 năm 2018.
Bài, ảnh: Mỹ Hằng