Mỗi đảng viên là tấm gương sáng trong quần chúng
Lượt xem:
Nói về dân vận, Bác Hồ đặt câu hỏi: Dân vận là gì? Đồng thời, Người giải thích “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”.
Đây là thể hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân nhằm xây dựng khối đại đoàn kết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng. Tinh thần đại đoàn kết phải được quán triệt sâu sắc trong công tác dân vận bằng việc đa dạng các hình thức tập hợp nhân dân.
Theo Hồ Chí Minh, toàn bộ hoạt động của Đảng, Nhà nước ta đều xuất phát từ quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cội nguồn sức mạnh của Đảng, Nhà nước ta là sự gắn bó mật thiết, máu thịt với nhân dân và Người cũng chỉ rõ:“Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. 86 năm qua, công tác dân vận của Ðảng đã đạt được những thành tích to lớn, luôn tạo ra sự gắn bó máu thịt giữa Ðảng với nhân dân. Những thành tích đó đã góp phần giúp cho Ðảng ta tập hợp được sức mạnh của nhân dân để vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, đồng thời tăng cường đoàn kết toàn dân để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, giữ vững độc lập dân tộc và thành quả cách mạng là trách nhiệm hết sức nặng nề của toàn Đảng, toàn dân ta.
Đoàn viên Đoàn Khối các cơ quan tỉnh khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân ở bon Jâng Plây 1, xã Trường Xuân (Đắk Song). Ảnh: Y KRăk |
Tuy nhiên, nhiều lúc, nhiều nơi vẫn còn tình trạng bệnh quan liêu, phô trương hình thức, xa dân, “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” hoặc “chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu”. Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa được thực hiện tốt tại nhiều xã, phường, thị trấn; không ít nơi cấp ủy chưa coi trọng công tác dân vận, phó mặc cho cán bộ chuyên trách. Công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn chưa đi vào chiều sâu, đồng bộ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống… làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tâm trạng của người dân còn nhiều phiền muộn và không bằng lòng với một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước cố tình nhũng nhiễu, gây phiền hà…
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, Ðảng ta khẳng định: Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Ðảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nêu rõ: “…nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống”. Do vậy, để làm tốt công tác dân vận, trước hết, nhận thức về công tác này phải được quán triệt sâu sắc trong các cấp ủy đảng, từ đó quan tâm lãnh đạo công tác dân vận trong cả hệ thống chính trị. Quan hệ mật thiết với công tác này là việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; mỗi đảng viên là một tấm gương sáng có sức lan tỏa trong quần chúng, thì công tác dân vận mới thật sự có ý nghĩa sâu sắc và toàn diện.
Ths. Nguyễn Thanh Hoàng